Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bác Hồ với Thủ đô ta

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt cuộc đời hoạt động “vì nước, vì dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt.

Sinh thời, Bác nhắc: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Hà Nội phải gương mẫu ở vị trí đầu tàu để làm sao “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Dấu ấn không quên
Ba chữ “Thủ đô ta” chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội, chỉ riêng Hà Nội mới có được vinh dự ấy. Hà Nội cũng là nơi ghi những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người; một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, cũng là nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác và đã từng được Người dành sự quan tâm, đến thăm và căn dặn. Qua các bài nói, bài viết, bức điện hay những chuyến thăm của Người đều để lại những dấu ấn không thể nào quên.
 Bác Hồ thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956).
Mùa Thu lịch sử năm 1945, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Ngày 23/8/1945, Bác về đến Phú Gia (nay là Phú Thượng, Tây Hồ) và đến 25/8, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đến đón Người về ở số nhà 48 Hàng Ngang của đại thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô. Đây chính là nơi Bác dự thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ.
Theo các tư liệu lịch sử, sau này nhớ lại, Bác nói đấy là những giây phút sung sướng nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng khi Người về sống và làm việc ở Hà Nội. Ngày 2/9/1945, khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình và ra mắt Chính phủ lâm thời cũng đã mang hàm ý chọn Hà Nội là Thủ đô, sau này Quốc hội đã chính thức công nhận điều này.
Ngay ngày làm việc đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách xây dựng đất nước, chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Phong trào hưởng ứng diễn ra sôi nổi ở khắp nơi, người dân Thủ đô nghe theo lời hiệu triệu của Bác đã không tiếc công, tiếc của để ủng hộ, có người hiến cả gia sản giúp cách mạng, giúp Nhân dân.
Là người nghiên cứu lâu năm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ: Sau 9 năm kháng chiến, Bác và Chính phủ về lại Hà Nội năm 1954, Người đã có lời cảm ơn thật chí tình: "Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào Thủ đô và bộ đội hôm nay long trọng và thân mật chào mừng Chính phủ".
Trong lần Tổng tuyển cử Quốc hội Khóa II, Người cũng viết thư cảm ơn đồng bào Thủ đô đã đề nghị Người ứng cử ở khu vực Hà Nội.
Ở một lá thư khác, Người viết: "Thưa đồng bào thân mến. Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi "ra mắt cử tri". Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt? Nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội Khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta".
Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên gửi thư tới các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, tới nông dân, công nhân, trí thức và nhất là với tầng lớp thanh thiếu niên, nhi đồng Hà Nội. Từ Tết Ất Mùi (1955) trở đi, gần như năm nào Bác cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội.
Tết Kỷ Dậu năm 1969, trên đồi cây của xã Vật Lại (huyện Ba Vì), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia trồng cây, mở đầu "Tết trồng cây" lần thứ 10 do chính Người khởi xướng. Bác chúc Tết động viên cán bộ, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy Diêm Thống nhất, Công trường và nhà máy bê tông đúc sẵn ở Chèm... dự cuộc ngâm thơ mừng Xuân của các cụ phụ lão và văn nghệ sĩ Hà Nội tại Văn Miếu; gửi thư, tới thăm hỏi giáo viên và học sinh Hà Nội, thăm Tết người lao động nghèo ở Thủ đô...
Trong thư gửi động viên Nhân dân ngoại thành, Bác viết: "Ngoại thành cũng là Thủ đô. Mà "thủ" là đầu, phải đi đầu..." và mong muốn: "Các Đảng bộ, chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa".
Gương mẫu đi đầu như lời Bác dặn
Với Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, Bác không những trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc lớn ở tầm chiến lược, vĩ mô và cả những công việc hết sức cụ thể, chi tiết và thiết thực hàng ngày. Khẳng định "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta", Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí "đầu tàu", vai trò "gương mẫu" với cả nước.
Trong những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các đại hội đại biểu Nhân dân Hà Nội..., Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện.
Người từng chỉ rõ, để xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện, công việc Đảng bộ Hà Nội cần chú trọng trước hết là phát triển Đảng: "Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên Lao động và Công đoàn. Đảng bộ Hà Nội cần phát triển thêm thành phần công nhân, nông dân, lao động trí óc và phụ nữ vào Đảng”.
Nếu tính từ cuối tháng 8/1945 đến 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 17 năm sống và làm việc ở Thủ đô. Hà Nội là nơi lưu dấu ấn về những quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ đối với đất nước trong mỗi bước đi lên nhưng cũng là nơi in đậm hình ảnh của Bác Hồ với biết bao niềm tự hào, xúc động thân thương và tình cảm đặc biệt mà Người dành cho Thủ đô.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô xác định là kim chỉ nam, ngọn đèn soi sáng để xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như sinh thời Bác hằng mong muốn.