Theo đài RT, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 21/6 cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) có thể gây ra một “cuộc chiến thương mại” nếu tiếp tục leo thang căng thẳng, đồng thời cáo buộc liên minh này có những hành vi không công bằng trong cuộc điều tra chống trợ cấp kéo dài 8 tháng đối với xe điện của Trung Quốc.
“Phía EU tiếp tục leo thang xung đột thương mại với Trung Quốc và có thể gây ra một cuộc ‘chiến tranh thương mại”. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía châu Âu” - truyền thông địa phương dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng chỉ trích cuộc điều tra chống trợ cấp của EU, cho rằng khối này đã phớt lờ sự đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai bên đạt được.
“EU đã xác định trước kết quả điều tra, đưa ra mức thuế suất không phù hợp, gây tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp cả hai bên, làm suy yếu hợp tác kinh tế và thương mại nói chung giữa Trung Quốc và EU…” - quan chức Trung Quốc cho hay, đồng thời nói rằng “cách tiếp cận của phía EU là chủ nghĩa bảo hộ điển hình”.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tiết lộ về cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc trong Thông điệp EU của bà, song không thông báo trước cho phía Bắc Kinh.
Cảnh báo mới nhất được Trung Quốc đưa ra sau khi EU thông báo vào tuần trước về mức thuế mới lên tới 38% áp dụng với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào một số sản phẩm thịt lợn của khối này. Bắc Kinh trước đó đã cảnh báo rằng họ sẽ nhắm mục tiêu vào lĩnh vực hàng không và nông nghiệp của EU để đáp trả khoản thuế này.
Động thái của EU diễn ra sau khi Mỹ hồi đầu tháng này đã tăng gấp 4 lần mức thuế đối với xe điện Trung Quốc, lên hơn 100%, ảnh hưởng đến 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cảnh báo rằng các biện pháp như vậy vi phạm nguyên tắc cạnh tranh công bằng và gây tổn hại đến sự ổn định của thương mại toàn cầu.
Theo tờ Bloomberg, sản phẩm đầu tiên lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc là rượu mạnh của châu Âu. Bắc Kinh hồi tháng 1 năm nay đã công bố một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng này, dự kiến kéo dài khoảng 1 năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng có thể công bố mức thuế sơ bộ bất cứ lúc nào, giống như đã làm trong một cuộc điều tra tương tự đối với rượu vang Australia.
Tuần này, Bắc Kinh công bố một cuộc điều tra về cáo buộc bán phá giá thịt lợn ở châu Âu. Nếu áp đặt thuế quan, tác động sẽ tập trung vào các nhà cung cấp hàng đầu như Tây Ban Nha - nơi Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai đối với các nhà xuất khẩu vào năm ngoái, cùng như Đan Mạch và Hà Lan.
Hồi tháng trước, Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU đã ám chỉ rằng ôtô nhập khẩu có động cơ lớn có thể là một mục tiêu khác để Bắc Kinh trả đũa thương mại.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hôm 19/6 kêu gọi Bắc Kinh tăng thuế đối với ô tô chạy bằng xăng với động cơ lớn hơn được nhập khẩu từ châu Âu.
Các chuyên gia trong ngành đã cảnh báo rằng các nhà sản xuất ô tô Đức dễ bị ảnh hưởng nhất trước bất kỳ động thái đáp trả nào từ Bắc Kinh vì thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với xuất khẩu ô tô của nước này.
Thống kê chính thức cho thấy xuất khẩu ô tô của EU sang Trung Quốc trị giá 19,4 tỷ euro (20,8 tỷ USD) vào năm 2023, trong khi khối này đã mua xe điện trị giá 9,7 tỷ euro từ Trung Quốc.