Bạc Liêu: Đường tan hoang, dân khổ vì doanh nghiệp “qua cầu rút ván”

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2021, Bạc Liêu cho phép các công ty điện gió được sử dụng tuyến đường DT.977 để vận chuyển thiết bị. Công trình hoàn thành nhưng đường bị hư hỏng nặng, làm ảnh hưởng lớn đến người dân. Dù tỉnh nhiều lần nhắc nhở, nhưng các công ty vẫn không khắc phục theo cam kết ban đầu.

 

 

Tuyến đường Giồng Nhãn - Gò Cát, TP Bạc Liêu (DT.977) dài 13km nhưng có gần 20 đoạn hư hỏng nặng, nham nhở “ổ gà, ổ voi”. Nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước, nhất là đoạn từ Cống Nhà Mát đến Cầu Cái Hưu. Con đường từ khang trang kiên cố ban đầu, nay trở nên nguy hiểm với người tham gia giao thông, là nỗi ám ảnh người dân mỗi khi đi qua. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trên "con đường đau khổ này."

Doanh nghiệp phớt lờ cam kết?

Nhằm để cho người dân đi lại thuận tiện, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, năm 2020, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng tuyến đường DT.977. Đây là con đường huyết mạch kinh tế nối liền hai xã: Vĩnh Hậu A và Vĩnh Thịnh của huyện Hoà Bình với phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu. 

Bà Yên rất lo lắng, bức xúc mỗi khi đi  qua con đường này

Năm 2021, trong quá trình thi công lắp đặt các dự án nhà máy điện gió ở huyện Hòa Bình, Công ty CP năng lượng Hacom Bạc Liêu và Công ty CP điện gió Kosy Bạc Liêu đã xin phép UBND tỉnh được vận chuyển thiết bị vật tư, thiết bị quá khổ quá tải, siêu trường siêu trọng đi qua đường DT.977 để phục vụ công trình.

Cơn mưa đã dứt nhiều ngày trước, nhưng con đường vẫn còn lầy lội.
Cơn mưa đã dứt nhiều ngày trước, nhưng con đường vẫn còn lầy lội.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn thành dự án đúng tiến độ, tỉnh Bạc Liêu đã đồng ý cho phép khai thác tuyến đường ĐT.977 với tải trọng 16 tấn (vượt 4 tấn) để vận chuyển vật tư, vật liệu, cấu kiện... phục vụ các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hòa Bình. Nhưng với điều kiện, các nhà đầu tư phải có trách nhiệm hoàn trả nguyên trạng kết cấu mặt đường sau khi hoàn thành dự án; toàn bộ chi phí thực hiện do các nhà đầu tư tự đảm bảo.

Một trong nhiều đoạn của tuyến đường DT.977 chi chít các hố sâu nguy hiểm
Một trong nhiều đoạn của tuyến đường DT.977 chi chít các hố sâu nguy hiểm

 Với yêu cầu trên, Công ty CP năng lượng Hacom Bạc Liêu và Công ty điện gió Kosy Bạc Liêu đã cam kết với tỉnh. Theo đó, sẽ chịu trách nhiệm khắc phục sửa chữa, hoàn trả nguyên trạng kết cấu mặt đường sau khi hoàn thành dự án và tự bỏ kinh phí để thực hiện.

Được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển thiết bị thi công, các công trình đã hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, do phải thường xuyên chịu tải trọng lớn, con đường trở nên tan hoang, hư hỏng nặng, gây khó khăn cho đi lại, sinh hoạt của người dân. Đã có nhiều người bị tại nạn giao thông vì con đường.

Thậm chí, có đoạn đường như một đoạn  sông, ô tô đi lại cũng khó khăn
Thậm chí, có đoạn đường như một đoạn  sông, ô tô đi lại cũng khó khăn

TTrước tình hình trên, ngày 29/11/2021, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký văn bản số 5482. Đề nghị Công ty CP năng lượng Hacom Bạc Liêu, Công ty CP điện gió Kosy Bạc Liêu khẩn trương hoàn thành xong việc khắc phục, sửa chữa tuyến đường tỉnh ĐT.977 (Giồng Nhãn - Gò Cát) trước ngày 25/1/2022. Đồng thời tiếp tục chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa thường xuyên đoạn tuyến (chiều dài 13,2 km) với thời gian kéo dài thêm 12 tháng kể từ khi hoàn thành.

Con đường là nỗi ám ảnh cho bất kỳ phương tiện nào tham gia giao thông
Con đường là nỗi ám ảnh cho bất kỳ phương tiện nào tham gia giao thông

Ông Nguyễn Huy Dũng – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bạc Liêu cho biết, đã quá thời hạn cuối khắc phục 9 tháng theo văn bản trên, nhưng Công ty CP năng lượng Hacom Bạc Liêu, Công ty CP điện gió Kosy Bạc Liêu vẫn chưa khắc phục, sửa chữa hoàn trả lại tuyến đường như đã cam kết ban đầu. Mặc dù sở đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở, nhưng vẫn không thực hiện.

Người dân loay hoay chịu khổ                                            

“Mới đây, có cháu đi học bị ngã, gãy tay ngay hố sâu trước nhà. Trước đó, có 2 cháu mẫu giáo mẹ chở đi học, cũng bị ngã ngay chổ đó, gối ngủ của các cháu đánh rơi còn nguyên đó", trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, bà Phạm Thị Tĩnh, nhà ấp 12 xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, cho biết.

Bà Phạm Thị Tĩnh chỉ nơi  các cháu học sinh thường té ngã, người dân phải đem máy bơm hút nước mỗi sáng để các cháu tiện đi học.

Do thấy cảnh nhiều người té ngã, nên từ mờ sáng nhiều ngày nay, người dân đã mang máy bơm ra tát nước những vũng nước trên đường ở gần nhà bà Tĩnh. Theo người dân, khi bơm cạn nước, sẽ làm cho người đi đường dễ nhận biết hố sâu nguy hiểm.

“Người dân chỉ mong muốn các cấp các ngành cứu xét, nhanh chóng sửa chữa để bà con đi lại, không bị té ngã. Mỗi khi trời mưa, đường càng thêm nhiều hố sâu lầy lội, không thể đi bộ. Nhà ngay đây không thể buôn bán gì được cả", chỉ tay vào ổ điện ngoài trời mà người dân lắp máy bơm nước, bà Tĩnh nói thêm.

Hàng ngày người dân tự bơm nước một số hố sâu để các cháu học sinh đi học.
Hàng ngày người dân tự bơm nước một số hố sâu để các cháu học sinh đi học.

Còn bà Nguyễn Thị Yên, nhà ở Phường 5 TP Bạc Liêu, chia sẻ. Hồi trước đường rất tốt, bà con mừng lắm, đi lại thuận tiện dễ dàng. Nhưng từ khi xe chuyên dụng của các nhà máy điện gió gần đó vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng đi nhiều, nên đường nhanh chóng bị xuống cấp hư hỏng. 

Con đường huyết mạch của nhiều xã huyện Hòa Bình giờ trở nên hư hỏng nặng.
Con đường huyết mạch của nhiều xã huyện Hòa Bình giờ trở nên hư hỏng nặng.

Theo quan sát của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, con đường này có đến 17 đoạn bị hư hỏng nặng. Mỗi đoạn từ vài chục đến hàng trăm mét lầy lội, loang lổ “ổ gà, ổ voi”. Có hố sâu gần 1 m, ô tô đi lại rất khó khăn, nhất là khi trời mưa. Đây là con đường huyết mạch giao thông chính phục vụ kinh tế - xã hội, thông thương giữa 2 xã Vĩnh Hậu A, Vĩnh Trạch của Hòa Bình và TP Bạc Liêu. Con đường hư hỏng nặng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của hàng ngàn người dân nơi đây.

Hạn chót cuối cùng?

Sau nhiều lần ra văn bản nhắc nhở, mới đây UBND tỉnh Bạc Liêu đã ra thời hạn cuối cùng để hai công ty thực hiện cam kết, không để người dân tiếp tục chịu khổ. UBND tỉnh cũng giao Sở GTVT nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc 2 đơn vị trên hoàn thành việc sửa chữa con đường DT.977 trước ngày 20/7/2022, thế nhưng, các doanh nghiệp vẫn phớt lờ.

Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 6/10/2022 , đề nghị 2  công ty phải hoàn thành con đường trước ngày 15/11/2022.
Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 6/10/2022 , đề nghị 2  công ty phải hoàn thành con đường trước ngày 15/11/2022.

Ngày 6/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký văn bản số 162 đề nghị Công ty Cổ phần năng lượng Hacom Bạc Liêu, Công ty Cổ phần điện gió Kosy Bạc Liêu phải khẩn trương, quyết liệt và thực hiện nghiêm việc sửa chữa, khắc phục ngay nền, mặt đường của tuyến đường nêu trên.

Các vị trí bị hư hỏng nặng phải xử lý kết cấu nền móng bằng đá 4x6 chèn đá dăm. Trong đó, việc khắc phục sửa chữa phải đảm bảo chất lượng, ổn định lâu dài và hoàn thành trước ngày 15/11/2022. Công ty Cổ phần năng lượng Hacom Bạc Liêu, Công ty Cổ phần điện gió Kosy Bạc Liêu phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ (nếu có) do lỗi chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường.

Công văn của Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Công văn của Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Cùng ngày, Sở Giao thông Vận tải tỉnh cũng đã có công văn số 1282/SGTVT-QLGT, gửi các công ty trên, yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, giao các cơ quan chức năng của Sở có trách nhiệm đôn đốc kiểm tra, giám sát báo cáo hàng tuần về Sở GTVT.

Hiện trạng thực tế của con đường ngày 24/10, các công ty vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thực hiện cam kết với tỉnh.
Hiện trạng thực tế của con đường ngày 24/10, các công ty vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thực hiện cam kết với tỉnh.

Mặc dù, tỉnh đã chốt thời gian để hoàn thành sửa chữa con đường DT.977 trước ngày 15/11/2022. Nhưng thực tế, đến ngày 24/10/2022 (còn thời hạn đúng 20 ngày), con đường vẫn nguyên hiện trạng bị hư hỏng nặng, chưa có các dấu hiệu cho thấy các công ty trên sẽ thi công sửa chữa con đường.