Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạc Liêu khẩn cấp chống sạt lở đê phía biển

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ra lệnh khẩn cấp xử lý sạt lở nhằm bảo vệ cấp bách một đoạn đê biển Đông, đảm bảo ổn định cuộc sống, bảo vệ an toàn tính mạng tài sản của người dân khu vực này.

Đoạn đê biển Đông của Bạc Liêu đoạn giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng đang đối diện nguy cơ sạt lở nghiêm trọng (Hoàng Nam)
Đoạn đê biển Đông của Bạc Liêu đoạn giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng đang đối diện nguy cơ sạt lở nghiêm trọng (Hoàng Nam)

Ngày 28/8, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều vừa có quyết định ban hành số 1502/QĐ-UBND, lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để xử lý sạt lở đê biển Đông đoạn K0+046 đến cầu Chiên Túp 1. Đây là đoạn đê biển thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu (giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng) vừa bị sạt lở nghiêm trọng vừa qua.

Mục đích của quyết định này để bảo vệ cấp bách đoạn đê biển Đông bị sạt lở, nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của người dân bên trong đoạn đê.

Theo quyết định, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình trong thời gian 4 tháng, với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Cơ quan này huy động ngay các đơn vị có đủ điều kiện năng lực về hoạt động xây dựng để thực hiện thi công công trình.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan liên quan thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về xây dựng công trình khẩn cấp.

Như báo Kinh tế & Đô thị thông tin trước đó, ngày 7/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu. Vừa qua, các đợt triều cường kết hợp sóng mạnh đã làm sạt lở tại khu vực đoạn đê biển Đông qua địa bàn ấp Biển Đông A (xã Vĩnh Trạch Đông) với tổng chiều dài khoảng 100m và có nguy cơ sạt lở hơn 370m.

Trong đó có đoạn sạt lở rộng 5-10m, sâu 1,5m. Trong thời gian tới, triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh sẽ còn tiếp tục gây sạt lở mái đê và thân đê nghiêm trọng hơn.

Theo ngành chức năng, hiện trạng sạt lở trên là do khu vực bờ biển trước đoạn đê này rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn, không còn rừng phòng hộ để chắn gió, chắn sóng bảo vệ chân đê nên sóng biển đã đánh trực tiếp vào mái và thân đê gây ra sạt lở. Đồng thời, khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh trên biển sẽ có khả năng tạo thành các con sóng lớn làm nước biển tràn qua đê gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng, tài sản của người dân phía sau đê.

Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu còn cho biết, theo đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tỉnh này xác định có 39 khu vực sạt lở bờ sông và 4 khu vực sạt lở bờ biển với tổng chiều dài hơn 511km.