Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắc Ninh phấn đấu là thủ phủ sản xuất điện tử ở châu Á và thế giới

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bắc Ninh, sau hơn 20 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong tốp cao nhất cả nước.
Quy mô GRDP đứng thứ 6 toàn quốc, GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2 (đạt 4.847 USD). Giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đứng thứ 2 và thu ngân sách năm 2016 đạt 17.800 tỷ đồng, đứng thứ 10 cả nước.
Về thu hút vốn FDI, Bắc Ninh đứng thứ 5 với 935 dự án, tổng vốn đạt 12,3 tỷ USD năm 2016. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm trong nhóm 10 tỉnh tốt nhất cả nước. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 2 toàn quốc. Với nền tảng này, tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh.
Ý kiến thành viên đoàn công tác nhìn nhận chỉ trong vòng 20 năm tái lập, Bắc Ninh có bước bứt phá ngoạn mục. Tỉnh tận dụng hiệu quả cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tỉnh cần chú ý một số điểm như với nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn, tỉnh cần quan tâm thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa.
Là "thủ phủ" công nghiệp điện tử, Bắc Ninh cần cân nhắc đến cơ cấu kinh tế hiện nay, bảo đảm phát triển cân đối, bền vững khi mà hiện nay, công nghiệp-xây dựng chiếm hơn 74%, dịch vụ, du lịch còn thấp (chỉ hơn 20%).
Nhất trí với các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng 20 năm qua, Bắc Ninh đã có bước tiến mạnh mẽ, bứt phá ngoạn mục, toàn diện trên cơ sở phát huy truyền thống vùng đất văn hiến, cách mạng, nơi phụng thờ Thủy tổ Việt Nam (Kinh Dương Vương).
Đánh giá cao tốc độ chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ của Bắc Ninh khi nông nghiệp chỉ còn chiếm 5%, Thủ tướng nêu rõ, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn rất cao. “Tôi nói ý này để các đồng chí không chủ quan”.
Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng về các kết quả kinh tế-xã hội của Bắc Ninh như thu nhập bình quân đầu người, thu hút FDI, xây dựng nông thôn mới, chất lượng giáo dục đào tạo, thiết chế văn hóa, an sinh xã hội, chỉ số năng lực cạnh tranh…
Tuy nhiên, “Bắc Ninh không được chủ quan, không được tự mãn với những gì đang có. Phải không ngừng đổi mới, phải tìm ra những giải pháp đột phá về thể chế, về môi trường kinh doanh nhằm phát huy tốt hơn nữa nền tảng hiện có”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Phải làm cho được một công xưởng sản xuất các sản phẩm của ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao của thế giới”. Bắc Ninh không những áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử mà cả trong nông nghiệp, dịch vụ, kể cả trong quản trị Nhà nước, quản lý xã hội. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Bắc Ninh khi mà tỉnh vẫn còn đối diện không ít khó khăn, thách thức.
Theo Thủ tướng, đó là lĩnh vực dịch vụ phát triển còn chậm. Công nghiệp hỗ trợ còn yếu, chủ yếu dừng lại ở mức gia công. Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, sử dụng phương tiện cá nhân còn nhiều. Đời sống văn hóa của công nhân, nhà ở xã hội cho người lao động còn nhiều vấn đề phải lưu tâm.
Thủ tướng cho rằng, thách thức trực tiếp với Bắc Ninh là phát triển bền vững, nhất là môi trường các khu công nghiệp, làng nghề; chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu công nghiệp hóa; sự gắn kết giữa doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI, chất lượng quá trình đô thị hóa ở địa phương. 

Cho rằng tỉnh phải có tầm nhìn trong phát triển rõ nét hơn, Thủ tướng định hướng: Bắc Ninh không những là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước mà còn phải phấn đấu trở thành biểu tượng của sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử công nghệ cao nói riêng và nền kinh tế sáng tạo nói chung ở ASEAN và châu Á. 

Trong những thập kỷ tới, Bắc Ninh cần tiếp tục là một trong những địa phương giàu có nhất cả nước, rồi hướng tới là một trong những thành phố sáng tạo nhất châu Á, là hình mẫu cho sự phát triển nhanh và bền vững, trong khi vẫn giữ được, bảo tồn và phát huy được các giá trị thuộc về bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất từng được, đã được mệnh danh là Kinh Bắc.
Phấn đấu là thủ phủ sản xuất điện tử ở châu Á và thế giới
Về nhiệm vụ thời gian tới của Bắc Ninh Thủ tướng cho rằng tỉnh phải vươn lên tầm cao mới của một địa phương phát triển nhất cả nước; phải chú trọng công tác quy hoạch với vị trí thuộc vùng Thủ đô, một đô thị cạnh Hà Nội. Phải tìm mô hình trong phát triển, ngay cả trong nông nghiệp, đừng để “bình thường hóa trong mô hình phát triển”. Bắc Ninh phải là thủ phủ sản xuất điện tử ở châu Á và thế giới.
Nhấn mạnh chủ trương xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng lưu ý việc thực hiện chủ trương này ở cơ sở như thế nào, “chúng ta phục vụ người dân tốt chưa, người dân đã yên tâm chưa, để người dân không bức bối chuyện này, chuyện khác chưa”. Cùng với sự phát triển, phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đồng ý để Bắc Ninh xây dựng một đề án trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh. “Đi liền với đó, các đồng chí xây dựng đề án tiếp theo là thành phố thông minh với nội hàm cụ thể, người dân thế nào, doanh nghiệp thế nào, y tế thế nào, giáo dục thế nào...”, Thủ tướng nói.
Nhân dịp này, Thủ tướng trao Quyết định công nhận thị xã Từ Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2016 và công nhận huyện Tiên Du đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.