Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bác yêu sách “Đường chín đoạn” của Trung Quốc

Nhóm PV Quốc tế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm thụ lý, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) hôm qua (12/7) đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo đó, PCA tuyên bố “Đường chín đoạn” của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý và Trung Quốc “không có chủ quyền lịch sử” tại Biển Đông.

Cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài 3 năm

PCA là một tổ chức liên chính phủ bao gồm 121 quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Singapore… được lập vào năm 1899 để hỗ trợ phân xử và hỗ trợ giải quyết tranh chấp khác giữa các nước.
Quang cảnh tòa PCA tại Hà Lan
Quang cảnh tòa PCA tại Hà Lan
Philippines bắt đầu quá trình tố tụng tại PCA kiện Trung Quốc vào ngày 22/1/2013 sau nhiều năm bế tắc và căng thẳng trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông mà không đạt được kết quả. Trung Quốc đã từ chối tham gia vào quá trình tố tụng của PCA khi cho rằng PCA không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và khẳng định mình có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên Biển Đông. Tuy nhiên, PCA đã ra phán quyết trước đó khẳng định rằng PCA có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và đã thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines.

Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ an toàn hàng hải

Theo thông cáo được phát đi từ La Hay, PCA kết luận rằng “không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, trong vùng biển thuộc phạm vi “đường chín đoạn”. Phán quyết này được đưa ra sau quá trình thụ lý kéo dài 3 năm đối với đơn kiện của Philippines nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Thông cáo báo chí của PCA nêu rõ, Tòa kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những "bãi đá", do đó nó không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ). Tòa cũng kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn các va chạm ở biển và các vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải. Theo trình tự, các quốc gia quan sát quá trình tố tụng, nước thành viên PCA, các tòa thành viên của PCA, công chúng và các phương tiện truyền thông cũng nhận được e-mail về phán quyết kể trên. Sau khi e-mail đã được gửi đi, quyết định cũng sẽ được tải lên trang web của PCA.

Hoan nghênh phán quyết của PCA
Trung Quốc có thể lựa chọn bỏ qua các phán quyết của PCA nhưng nước này không thể cố tình lờ đi ý nghĩa của phán quyết. Bắc Kinh chắc chắn sẽ hứng chịu ảnh hưởng lớn từ phán quyết của tòa PCA.

Bonnie Glaser - Chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington

Chỉ vài phút sau khi phán quyết được PCA phát đi từ La Hay, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói: “Các chuyên gia của chúng tôi đã làm việc cẩn trọng và phán quyết quan trọng này của tòa trọng tài là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kêu gọi các bên kiềm chế và tỉnh táo”. Đồng thời cho biết, Philippines cam kết sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển (UNCLOS).

Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phán quyết của Tòa PCA, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Cũng theo Người Phát ngôn, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc mất nhiều hơn được

Theo ông Ricardo Saludo - Giám đốc Trung tâm Chiến lược, Doanh nghiệp & Trí tuệ Philippines, cựu Chánh văn phòng Nội các Philippines (2001 – 2008), Bắc Kinh sẽ phản đối phán quyết của tòa PCA đã đưa ra và thậm chí đã lên kế hoạch tăng cường quân sự để tái khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý mang tên “Đường chín đoạn”. Tuy nhiên, hành động đó khiến nước này không thể cứu vãn hình ảnh rằng Trung Quốc là một cường quốc “vô lối” cần Mỹ “cầm cương”. Chiến thắng Vòng đối đầu thứ nhất giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc giành vị thế địa chính trị ở châu Á đã thuộc về Washington, tuy nhiên “Vòng đối đầu tiếp theo sẽ còn gay cấn hơn sau phán quyết của PCA” – ông Saludo cảnh báo.

Đúng như nhận định của các chuyên gia quốc tế, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức bác bỏ thẩm quyền của bên thứ 3 trong vấn đề liên quan đến lãnh thổ và tranh chấp phân định biển, bất chấp lời kêu gọi tôn trọng phán quyết của cộng đồng quốc tế. Đồng thời ngang ngược tuyên bố, quyền chủ quyền và lãnh hải cũng như lợi ích ở Biển Đông của Trung Quốc trong mọi trường hợp sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết. Trung Quốc phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ tuyên bố hoặc hành động dựa trên phán quyết.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục bác bỏ phán quyết của PCA, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được vì nó sẽ khiến dư luận cho rằng, Bắc Kinh đang đứng ngoài luật pháp quốc tế chứ không chỉ đơn thuần là tranh chấp chủ quyền trên biển giữa nước này và một vài quốc gia trong ASEAN. Nếu Bắc Kinh quyết định gây áp lực lên Philippines và các nước Đông Nam Á khác về vấn đề tranh chấp chủ quyền, nước này sẽ tự làm hỏng “quyền lực mềm” mà quốc gia này đã nỗ lực xây dựng trong suốt thời gian qua.

Trên thực tế, ngay từ khi Philippines bắt đầu quá trình tố tụng tại PCA kiện Trung Quốc vào năm 2013, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa PCA. Ngay trước thềm phán quyết được đưa ra, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Colin Willett khẳng định, Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia, đồng thời giữ vững những cam kết với các đồng minh và đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh, phán quyết của PCA "có hiệu lực pháp lý" và các bên cần phải tuân thủ. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani kêu gọi “tất cả các bên liên quan không thực hiện bất cứ phản ứng có thể dẫn đến tình trạng leo thang căng thẳng”. Một ngày trước khi PCA ra phán quyết, truyền thông châu Á tiết lộ Nhật Bản đang ráo riết vận động các đối tác trong nhóm G7 ra tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của tòa và tuân thủ luật pháp, các chuẩn mực quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển.
Chỉ một ngày sau khi phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông được PCA phát đi từ La Hay, hôm nay (13/7), lực lượng Cảnh sát Biển Nhật Bản (JCG) và Cảnh sát Biển Philippines (PCG) sẽ tiến hành cuộc tập trận Thực thi Luật pháp Hàng hải (MARLEN) lần thứ 6 nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải tại Biển Đông.