Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao thể thao Việt Nam liên tiếp trắng tay tại sân chơi Olympic?

Bài 2: Nền thể thao không có mũi nhọn

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thất bại tại Olympic Paris 2024 không quá bất ngờ khi đã được dự báo trước và cho thấy sự hụt hơi cả hệ thống của thể thao Việt Nam - một nền thể thao được đánh giá là không có mũi nhọn.

Thiếu đầu tư trọng điểm

Ngày 3/12/2010 Chính phủ có Quyết định số 2198/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020”. Trong đó, lần đầu tiên ngành thể thao xác định 10 môn trọng điểm nhóm 1, gồm: điền kinh, bơi, cử tạ, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, vật nữ, boxing nữ, bắn súng và karatedo. Từ sự định hình này, thành tích bước đầu đến với thể thao Việt Nam khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành tấm HCV lịch sử tại Olympic Rio 2016. Tiếp đó, điền kinh cũng đặt những dấu mốc lịch sử khi giành 2 HCV tại sân chơi Asiad 2018 của Quách Thị Lan và Bùi Thị Thu Thảo.

Thể thao Việt Nam liên tiếp trắng tay tại sân chơi Olympic. Ảnh: Ngọc Tú
Thể thao Việt Nam liên tiếp trắng tay tại sân chơi Olympic. Ảnh: Ngọc Tú

Dù vậy, kể từ đó đến nay, nhóm môn trọng điểm cho thấy rõ sự hụt hơi so với mặt bằng chung của khu vực cũng như thế giới. Tại Olympic Tokyo 2020, sự kỳ vọng giành huy chương được đặt vào cử tạ nhưng cuối cùng các lực sĩ Việt Nam đã làm người hâm mộ thất vọng. Ngoài ra, bóng bàn là môn trọng điểm nhóm 1 nhưng chưa bao giờ chứng tỏ được khả năng giành huy chương tại Asiad. Những môn giành HCV ở SEA Games lại nằm chủ yếu ở nhóm 2 và khoảng cách về trình độ của vận động viên Việt Nam với châu lục, thế giới ngày càng xa.

Sẽ có muôn vàn lý do để bào chữa cho những thất bại của thể thao Việt Nam như thể hình, tầm vóc, sức mạnh của vận động viên còn hạn chế. Nhưng ở các môn thể thao thế mạnh nhất, Việt Nam cũng đã tụt lại so với các nước trong khu vực. Các chuyên gia nhận định, thể thao Việt Nam không có vận động viên mũi nhọn và môn thế mạnh ở đấu trường Olympic giống các quốc gia Đông Nam Á.

Bài học từ Thái Lan là một điển hình khi thể thao của xứ sở chùa vàng gần như bảo đảm được việc sẽ giành được HCV ở hạng cân 49kg nữ trong môn taekwondo. Hay Philippines tập trung đầu tư phát triển môn thể dục dụng cụ, bằng chứng là vận động viên Carlos Yulo đã xuất sắc giành 2 HCV ở Olympic Paris 2024 ở 2 nội dung là thể dục tự do và nhảy chống với điểm số rất cao.

Điểm chung trong việc tranh chấp huy chương của các nước Đông Nam Á là tất cả đều không mạnh với những môn điền kinh, bơi lội, bóng đá... Họ chọn đầu tư vào các môn không cần lợi thế hình thể, chiều cao mà chỉ yêu cầu sự khéo léo, tốc độ, tính chính xác. Trong khi chúng ta còn đầu tư dàn trải và chưa có sự quan tâm xác đáng.

Tại hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 với chủ đề “Nâng tầm Asiad – Khát vọng Olympic” tổ chức tháng 12/2023, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao của Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ nét, bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới.

Tuy nhiên, sự phát triển thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần đổi mới tư duy cũng như cách làm thể thao thành tích cao. “Thực tiễn qua kỳ Olympic 2020, Asian Games (Asiad) 2018 và 2022 gần đây cũng chỉ ra rằng đã tới lúc thể thao Việt Nam tiếp tục cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao. Nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư thì rất khó hướng tới Asiad và Olympic trong giai đoạn tới” – ông Đặng Hà Việt nói.

Sự đầu tư và xác định môn thể thao trọng điểm của Việt Nam lâu dài vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Dẫu biết rằng, việc xác định lại các môn thể thao trọng điểm nhóm 1 sẽ phải căn cứ vào nhiều yếu tố nhưng nhiều chuyên gia nhận định, số môn trọng điểm nhóm 1 không nhất thiết phải là 10 môn như trước, mà có thể chỉ là 4 - 5 môn thực sự có khả năng tranh chấp huy chương tại Asiad và Olympic. Song, đã là môn trọng điểm nhóm 1 thì phải được đầu tư tương xứng.

Nhiều bất cập chưa được giải quyết triệt để

Nhiều năm qua, một số tồn tại của thể thao Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ như khó tuyển chọn vận động viên từ nguồn các địa phương hay cơ chế, chính sách ưu tiên để thu hút tuyển chọn, đào tạo vận động viên còn bất cập. Một thực tế hiện nay ở nhiều địa phương không có nguồn vận động viên trẻ kế cận.

Thêm vào đó, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện khá hạn chế. Đơn cử, ở môn trọng điểm như bắn súng, tình trạng “đói đạn” diễn ra thường xuyên. Việc các vận động viên chỉ tập “bắn chay” khiến cho phong độ trồi sụt. Câu chuyện này dù đã được đề cập rất nhiều năm qua, song một trường bắn hiện đại với đầy đủ điều kiện tập luyện vẫn luôn chỉ là giấc mơ của các vận động viên cũng như huấn luyện viên.

Có chuyên gia từng nói rằng, nếu như có được cơ sở vật chất tốt để tập luyện trong thời gian dài, biết đâu Trịnh Thu Vinh đã có thể mang về thành tích cho thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 như những gì xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã làm được vào năm 2016. Hay như môn đấu kiếm, để có những thanh kiếm chất lượng phục vụ tập luyện là khá khó khăn vì lý do đặc thù được xếp vào danh mục vũ khí khi nhập về Việt Nam.

Trong khi hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực kế cận, ngành thể thao còn nhiều khoảng tối khi một loạt bê bối được khui ra ánh sáng thời gian qua như ăn chặn tiền thưởng, tiền lương, suất ăn của vận động viên… Vụ việc của đội bóng bàn trẻ quốc gia phải ăn những bữa ăn lèo tèo chỉ có đậu rán, cá ba sa kho, nem rán, một đĩa củ quả luộc, một bát canh cà chua do bị cắt xén tiền ăn dù mỗi ngày vận động viên được nhận 320.000 đồng từ ngân sách Nhà nước từng gây bức xúc dư luận một thời gian dài. Vụ việc “nóng” đến mức Cục Thể dục Thể thao phải kỷ luật một số cá nhân thuộc Cục liên quan.

Vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì đầu năm 2024, cựu vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương “tố” bị huấn luyện viên cắt xén tiền thưởng và phải đóng quỹ nằm ngoài quy định hàng tháng càng khiến cho dư luận bức xúc bởi ngành thể thao vốn được đề cao bởi tinh thần trung thực, cao thượng và công bằng.

Những sự việc này đã làm nóng nghị trường Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 6 vừa qua. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) nêu vấn đề, thời gian qua, dư luận xôn xao trước các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn.

Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng và cũng thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh thực tế chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa hiệu quả. “Điều này kéo theo hậu quả thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên và huấn luyện viên. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và bảo đảm không tái diễn tình trạng trên?”.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng thừa nhận, đây là vấn đề nhức nhối của ngành. Bộ trưởng cho biết, khi phát hiện ra, Bộ cũng đã kiên quyết xử lý với phương châm là không có ngoại lệ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để giải quyết việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên thể thao sau khi giải nghệ cũng còn nhiều khó khăn. Do đó, Bộ VHTT&DL đề xuất Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tập trung đánh giá tổng thể hệ thống chính sách vừa qua; đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới, trong đó hỗ trợ về nhà ở, công việc cho vận động viên thể thao…

 

Để nâng cao thành tích thể thao trong giai đoạn từ 2024 - 2030 có nhiều yếu tố, trong đó công tác quản lý đối với huấn luyện viên, vận động viên giữ vị trí vai trò quan trọng. Cụ thể như các vấn đề về tuyển chọn chuyên gia, bổ sung dinh dưỡng, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hay tâm lý chuyên môn và kỹ chiến thuật thể thao theo đặc thù từng môn cho vận động viên…
Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội
Nguyễn Mạnh Hùng

Chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP quy định về chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu còn thấp. Cụ thể, vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 270.000 đồng/người/ngày x 26 ngày công = 7.020.000 đồng/tháng.


(Còn nữa)