Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài 3: Chấn hưng thế nào?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là suy nghĩ, trăn trở của nhiều chuyên gia, nhà quản lý không chỉ trong ngành giáo dục.

Bởi chủ trương khơi dậy sự hấp dẫn học sinh theo học ngành KHXH&NV không phải bây giờ mới được đặt ra. Dù vậy, chặng đường để đến đích lại đang khó khăn.
 
 
 
 
Bắt đầu từ chính các trường
 
Theo khẳng định của nhiều giáo viên THPT tại Hà Nội, bản thân các môn KHXH&NV không thiếu sức hút, chỉ là không có người chuyển tải sức hút đó đến học trò. Thực tế, đúng là không phải những học sinh lựa chọn ban khoa học tự nhiên đều "ghét" học Văn. Các em vẫn rất thích thú nếu được khơi dậy sự lãng mạn trong tâm hồn bằng phương pháp giảng dạy cuốn hút. Nhưng chính việc dạy các môn KHXH&NV ở bậc phổ thông như văn học, lịch sử... quá nặng về chạy chương trình, sách giáo khoa thì chi li, xơ cứng, cổ vũ cho học thuộc và côngnghệ học hơn là cảm nhận, thưởng thức, khích lệ trí tưởng tượng và năng lực sáng tạo. Bởi thế nhiều học sinh ngày càng cảm thấy không yêu thích nên không tiếp tục theo đuổi những môn KHXH&NV khi lên các bậc học cao hơn. Do đó, điều cần thay đổi trước hết chính từ cách dạy của người thầy.
 
Chương trình học, các nhà giáo dục cũng cho rằng: Cần phải bỏ bớt tính lý thuyết, triết lý, tư tưởng trong các môn học, mà thay vào đó là tính ứng dụng, tính nghề nghiệp. Có những cuốn giáo trình 40 năm trước không khác gì so với ngày nay. Ngay như môn Lịch sử, nước ta có bề dày lịch sử với bao kỳ tích anh hùng, đúng ra phải rất hấp dẫn, nhưng tại sao học sinh lại không có khái niệm gì về lịch sử dân tộc? Câu trả lời nằm ngay trong chương trình: quá nặng về chi tiết cụ thể, khó nhớ, khó học. Học lịch sử không phải để nhớ mà là rèn luyện lòng yêu nước. Ngay cả ở những môn khác như văn, địa lý cũng vậy. Đào tạo con người là đào tạo những bộ óc chứ không phải đào tạo những tủ sách. Như GS, NGND Nguyễn Lân Dũng bày tỏ, hoạt động của các Viện nghiên cứu về KHXH&NV nhiều khi mang tính minh họa nhiều hơn là hoạt động thực tế. Và ông đặt ra câu hỏi, tại sao không đưa các Viện này về nằm trong các trường ĐH, để xây dựng các đề án phát triển các ngành KHXHNV, đưa ra được những phương pháp giảng dạy mới, cải tiến giáo trình, qui chế nghiên cứu, thực hành, việc làm sau khi tốt nghiệp...
 
Cũng phải kể đến một thực tế là các trường ĐH đào tạo lĩnh vực KHXH&NV luôn bị xếp ở tầng dưới hệ quả là rất ít sinh viên giỏi lựa chọn các ngành này, ngay cả những trường lớn. Một khi đầu vào thấp thì chất lượng đầu ra không thể cao. Ngay như trường ĐH Sư phạm, nơi được coi là cỗ máy cái, thì đầu vào cũng rất thấp, đặc biệt là các khoa xã hội. Vậy đầu vào thấp nên đầu ra giáo viên dạy văn cũng rất thấp, cả về tri thức lẫn khả năng sư phạm. Cái vòng luẩn quẩn ấy xem chừng khó tháo gỡ nếu không có một sự đổi mới tổng thể.
 
Một giải pháp tổng thểcó hệ thống
 
Để cứu vãn ngành KHXH&NV, Bộ GD&ĐT đã có một số biện pháp như hạn chế cho các trường mở tràn lan các ngành KHXH, thậm chí có thể sắp tới sẽ thi ĐH bắt buộc có môn xã hội, nhưng đó mới chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần có một chính sách đồng bộ để vực dậy khối KHXH.
 
Một số ý kiến đã bày tỏ sự chú ý tới chính sách ưu tiên, khuyến khích, ưu đãi, chăm lo cho các lĩnh vực này, tới người học, người nghiên cứu, tới đãi ngộ trong lao động, nghề nghiệp… Hướng giải pháp như vậy cần thiết, nhưng chủ yếu cho các ngành cơ bản. Những ngành này không những không thu học phí mà còn cần cấp học bổng, cần đầu tư mạnh. Tuy nhiên, dẫu được miễn học phí, được ưu tiên, nhưng nghề nghiệp sau này không đem lại thu nhập tốt và cơ hội phát triển, thì vẫn không ai theo học.
 
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Để có được sự thay đổi mang tính gốc rễ, cần có một giải pháp tổng thể, có hệ thống, có điều tiết vĩ mô trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Một yếu tố có tính kỹ thuật nữa, là nên bỏ phân ban ở bậc học phổ thông, vì học sinh chưa hiểu nghề mà đăng ký học theo ban, sau khi học rồi mới tìm hiểu thì việc chọn nghề đã bị hạn định từ lúc chưa hiểu về nó. Việc phân ban sẽ tạo ra sự học lệch lạc, phát triển không cân đối. Đối với các trường ĐH, việc tư vấn tuyển sinh, thông tin hướng nghiệp cũng cần làm thường xuyên, làm sớm, không nên để dồn vào một vài kỳ cuộc có tính phong trào trước các đợt đăng ký tuyển sinh…
 
Các nhà khoa học khác cũng nhấn mạnh: Muốn chấn hưng được thì không chỉ báo động suông mà phải có chính sách và cần từ 5 đến 10 năm may ra mới có sự thay đổi. Còn về lâu dài phải dựa vào cả một nền tảng giáo dục có sự chung tay gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi đứa trẻ phải được sự giáo dục từ chính bố mẹ, coi tri thức khoa học nhân văn như của cải tinh thần, không cứ là có muốn theo đuổi các ngành XHNV hay không.
 
 
 
Điều đáng lo lắng nhất không phải ở chỗ thí sinh thi ít, xã hội có chuộng ngành này hay không, cũng không thể có biện pháp gì để sang năm học sinh đổ xô vào các ngành xã hội. Nhưng như triết học có câu "Trong mọi tình huống đều có giải pháp". Theo tôi, không có ông bộ trưởng, hiệu trưởng nào có thể "chữa" được tình hình này, mà giải pháp nằm ở đường hướng phát triển ngành KHXH&NV của Nhà nước. Tất cả những vấn đề đường lối chính sách, con người, giáo trình, tài liệu... một chuỗi vấn đề đó liên quan đến nhau, nếu cắt khúc ra chỗ nào cũng có lỗi cả, nhưng nó là một chuỗi mà đường lối chính sách là quan trọng. Cần làm cẩn thận, làm đến đầu đến đũa. Củng cố, khôi phục rồi mới phát triển ngành khoa học xã hội. - GS. NGND Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam