Với những nghị quyết mang tính cấp bách, ngay sau khi được triển khai đã mang lại hiệu quả rõ nét, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Vào cuộc đồng bộ
Như chính những người có trách nhiệm đã nhận định, triển khai và thực hiện hiệu quả những chính sách từ nghị quyết được thông qua là việc khó hơn gấp bội phần so với xây dựng chính sách. Cái khó ấy không chỉ dừng lại ở những chính sách mới, những quy định mang tính đột phá, cái khó còn ở việc đồng bộ các nguồn lực, giải pháp để chính sách phát huy tối đa tác dụng.
Bởi thế, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả thực tiễn, đều không thể thiếu sự tổ chức thực hiện quyết liệt, bài bản từ chính các ngành liên quan; sự vào cuộc của chính các đại biểu trong giám sát, thúc đẩy. Đồng thời, việc tuyên truyền, để tạo sự đồng thuận trong người dân, các đối tượng thụ hưởng chính sách; kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Như với Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 “thông qua Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”, từ bước khởi đầu này, UBND TP đã hiện thực hóa bằng các đề án, kế hoạch với những nhiệm vụ chi tiết, rõ ràng để triển khai. Trong đó, UBND TP đã ban hành Quyết định số 5289/QĐ-UBND ngày 18/12/2021 về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, việc cải tạo chung cư cũ nhằm di chuyển người dân trong khu vực nguy hiểm hư hỏng nặng đến nơi ở tạm an toàn; đồng thời đầu tư xây dựng lại để kịp thời tái định cư ổn định cuộc sống người dân, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, kinh tế - xã hội giai đoạn mới.
Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân; là công tác an sinh xã hội quan trọng nên cần thiết phải có phương pháp, lộ trình, giải pháp hiệu quả, khả thi trong quá trình thực hiện, UBND TP Hà Nội đã ban hành 2 Kế hoạch triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ gắn với 2 đợt và chia hạng mục công việc theo từng mốc thời gian cụ thể.
Với sự vào cuộc khẩn trương, triển khai quyết liệt Nghị quyết, đến nay tại quận Ba Đình 86/217 chung cư đã có kết quả kiểm định, cần rà soát, đánh giá; 74 chung cư cũ thuộc trách nhiệm tổ chức kiểm định của UBND quận Ba Đình. Theo lãnh đạo quận, đơn vị đã lập nhiệm vụ kiểm định và được Sở Xây dựng phê duyệt. Tháng 12/2022, sau khi được UBND TP tạm cấp kinh phí thực hiện kiểm định, quận đã tổ chức đấu thầu và lựa chọn xong đơn vị tư vấn kiểm định. Dự kiến đến hết tháng 5/2023 quận sẽ hoàn thành triển khai công tác kiểm định chất lượng 74 chung cư cũ này.
Tương tự, với Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ Kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo.
Đây là Nghị quyết được đánh giá rất trúng, bởi thực tế trên địa bàn còn nhiều công trình về lĩnh vực y tế, nông nghiệp, giao thông, giáo dục đã xuống cấp, cần đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Để triển khai, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo, TP dự kiến đầu tư 1.469 dự án với kinh phí 49.203 tỷ đồng. Đến nay, ngân sách TP đã bố trí 11.423,472 tỷ đồng, đạt 27,8% kế hoạch cho các dự án xây dựng giáo dục, y tế, tu bổ di tích. Trong đó, tính riêng từ khi ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND đến tháng 2/2023, TP đã bố trí 3.006,57 tỷ đồng (trong tổng số 11.423,472 tỷ đồng đã phân bổ) để thực hiện 252 dự án.
Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa, thực hiện Nghị quyết số 02 của HĐND TP, huyện đã rà soát thực trạng và đề xuất 56 dự án tu bổ di tích và 24 dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống y tế. Huyện đã lập và phê duyệt chủ trương đầu tư 79 dự án (gồm 23 dự án y tế, 56 dự án tu bổ di tích); lập và phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật 43 dự án (gồm 22 dự án y tế, 21 dự án tu bổ di tích); hiện còn 10 dự án đang tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư.
Trong 2 năm 2021 - 2022, ở lĩnh vực y tế huyện có tổng số 24 dự án với tổng mức đầu tư là 561.577 triệu đồng, trong đó ngân sách TP hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 là trên 315 tỷ đồng. Năm 2022, ngân sách TP đã bố trí là 149,3 tỷ đồng. Từ 1/1/2022 đến 21/11/2022, huyện đã giải ngân trên 42,6 tỷ đồng. Hiện có 18 dự án trạm y tế đang thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2023; Dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ đã trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự kiến thời gian khởi công - hoàn thành trong 2 năm 2023 - 2025.
Ý nghĩa thực tiễn
Với các nghị quyết khác sau khi được thông qua, ban hành, UBND TP đã triển khai đến các cấp, các ngành, quận, huyện, thị xã, các đơn vị kinh tế và Nhân dân cũng nhận được sự hưởng ứng, quyết tâm thực hiện rất cao để các nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Đặc biệt, với những nghị quyết tác động trực tiếp đến đời sống người dân, sự vào cuộc trong triển khai rất nhanh và khẩn trương đã tránh được việc “chính sách kịp thời nhưng thực hiện lại có độ trễ”.
Tôi sống tại địa bàn quận Đống Đa đã hơn 20 năm nay và thấy trên địa bàn có nhiều khu chung cư cũ cần nâng cấp, sửa chữa. Trước đây tôi cũng được nghe nhiều về chủ trương cải tạo nhà chung cư cũ nhưng thấy chưa có sự chuyển biến rõ nét. Kể từ năm 2021 đến nay, HĐND TP đã ban hành nghị quyết về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy có sự chuyển đổi bước đầu khi cơ quan có thẩm quyền thực hiện các bước kiểm đếm, rà soát, đánh giá, kiểm định để thực hiện cải tạo. Tôi cũng như nhiều người dân hy vọng và tin tưởng rằng khi hoàn thành đề án sẽ tạo điều kiện cho người dân ở các khu chung cư cũ có chỗ ở khang trang hơn; đồng thời nâng cao chất lượng phát triển đô thị, tạo diện mạo mới cho TP.
Cử tri Nguyễn Thuỳ Oanh (ngõ 44 Pháo Đài Láng,
phường Láng Thượng, quận Đống Đa)
Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND TP về quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp TP đến quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố.
Các cấp, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền để toàn bộ Nhân dân biết quyền lợi từ các chính sách của T.Ư và TP đã ban hành; chủ động tìm đến, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong thủ tục, hồ sơ để sớm được hưởng các chế độ, chính sách theo đúng quy định, quá trình thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, với quyết tâm giúp người dân sớm được thụ hưởng chính sách, chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo kết quả thống kê của Sở LĐTB&XH Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội, đã có hơn 144.300 người, gia đình thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ với kinh phí hơn 144,3 tỷ đồng. Số còn lại với gần 70.000 lượt người, hộ gia đình được các đơn vị, địa phương trên địa bàn TP đã hỗ trợ khó khăn đột xuất về tiền mặt, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu với kinh phí gần 39 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Bích ở xã Mỹ Hưng là một trong nhiều người dân của huyện Thanh Oai nhận được hỗ trợ trong dịch Covid-19. Thời điểm đó, số tiền hỗ trợ kịp thời từ TP có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình chị bởi gia đình chị thuộc hộ nghèo (chồng bị liệt do tai nạn lao động; 1 con đang học trường nghề).
Một mình chị cấy vài sào lúa và nhận hàng may gia công với thù lao ít ỏi, chỉ vài chục đến 100.000 đồng/ngày nuôi cả gia đình. Do ảnh hưởng của dịch, chị không có việc làm, không có tiền mua thức ăn. Khi nhận được sự hỗ trợ theo chính sách của TP, chị đã có tiền trang trải sinh hoạt cho gia đình và và yên tâm chống dịch.
Còn với Nghị quyết 19/2022-NQ-HĐND hỗ trợ một lần đối với cán bộ, nhân viên y tế, với vị trí là một người làm trong ngành được thụ hưởng chính sách, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đến thời điểm này tất cả hơn 200 cán bộ y tế của trạm y tế phường, cán bộ của trung tâm y tế và người gián tiếp làm công tác y tế trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đều đã nhận được hỗ trợ theo mức quy định. Cán bộ nhân viên rất phấn khởi và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quan tâm tiếp theo của TP chứ không chờ đại dịch mới được hưởng.
Nhiều Nghị quyết khi đi vào cuộc sống, đã tạo sự đột phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Điển hình như trong lĩnh vực kinh tế, các nghị quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy hoạch ngành và chuyên ngành… đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào nhiều thành tựu nổi bật của Hà Nội trong nửa nhiệm kỳ qua. Dù khó khăn bởi đại dịch, nhưng Hà Nội vẫn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, tăng trưởng cao ở từng thời điểm, nhiều công trình, dự án kinh tế quy mô lớn, hiện đại được khởi động, an sinh xã hội được đảm bảo.
Qua thực tiễn có thể khẳng định, các nghị quyết HĐND TP ban hành đều bám sát, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, đảm bảo các cơ chế, chính sách phù hợp và đi vào cuộc sống, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.\
(Còn nữa)