Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động của HĐND TP Hà Nội: Hơi thở cuộc sống trong những quyết sách

Bài 2: Kịp thời và sát thực tiễn

Hà Bình - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức Kỳ họp, trong hoạt động giám sát, chất vấn và sự tham gia ngay từ đầu khi xây dựng nghị quyết đã tạo nên dấu ấn của Thường trực, các Ban HĐND TP.

Đại biểu HĐND TP Hà Nội phát biểu tham luận tại Kỳ họp chuyên đề tháng 3/2023. Ảnh: Thanh Hải
Đại biểu HĐND TP Hà Nội phát biểu tham luận tại Kỳ họp chuyên đề tháng 3/2023. Ảnh: Thanh Hải

Dấu ấn này thể hiện đậm nét trong những nghị quyết được ban hành sát với thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho cử tri và Nhân dân.

Từ những nghị quyết đột phá

Từ các cuộc tiếp xúc cử tri sau mỗi Kỳ họp, các cử tri đặc biệt dành sự quan tâm với những Nghị quyết đã được HĐND TP thông qua. Bởi từ đầu nhiệm kỳ khóa XVI đến nay, các nội dung được thông qua đều là những nội dung lớn, là những cơ chế, chính sách quan trọng, tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền TP, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề dân sinh.

Đại biểu HĐND TP phát biểu tham luận tại Kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội tháng 3/2023. Ảnh: Thanh Hải
Đại biểu HĐND TP phát biểu tham luận tại Kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội tháng 3/2023. Ảnh: Thanh Hải

Cụ thể như: Đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo; chủ trương đầu tư và bố trí vốn cho dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô; các biện pháp xử lý dự án chậm triển khai; các cơ chế chính sách đối với người có công, gia đình chính sách; hỗ trợ các lĩnh vực y tế, hỗ trợ học phí… Trong đó có những nghị quyết mang tính đột phá, được kỳ vọng sẽ tạo thêm những bước nhảy vọt trong công tác quản lý, phát triển của TP.

 

Việc ban hành các Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế có ý nghĩa rất lớn ở thời điểm đó, thể hiện sự quan tâm, trân trọng của TP và Nhân dân trước sự đóng góp, cống hiến của họ trong công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Bên cạnh đó, ban hành Nghị quyết phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và các Chương trình, kế hoạch của TP về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, Nghị quyết này là chính sách mới, đặc thù của TP để công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế làm việc tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội... yên tâm hơn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà

Ngày 12/9/2022, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND, “Thông qua Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội”; Nghị quyết số 21/NQ-HĐND về “Phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP”.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội có nghị quyết về vấn đề phân cấp, phân quyền nhưng với các Nghị quyết, Đề án lần này đã thể hiện cách tiếp cận vấn đề với tư duy đổi mới, đột phá, xác định phân cấp, ủy quyền là nội dung quan trọng gắn với cải cách hành chính, nhằm giải quyết nhanh gọn các vấn đề, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân.

Như nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã nhận định, đây là bước đột phá của Hà Nội rất phù hợp tình hình hiện nay, góp phần tăng trách nhiệm, tính chủ động trong công việc của các địa phương và việc giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của người dân, DN.

Với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế, giải quyết kịp thời, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cấp đó thực hiện, TP đã bóc tách các nhiệm vụ, thủ tục hành chính để phân cấp, ủy quyền một cách triệt để cho cấp huyện. Trong đó, phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính (35,5% thủ tục hành chính cấp TP).

Về nhiệm vụ quản lý Nhà nước, ít nhất có 210 nhiệm vụ chính trong 15 lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền. Nhiều lĩnh vực có phân cấp mạnh hơn trong quản lý, như đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư với chiếu sáng, thoát nước, đầu tư chợ, trường học, quản lý sau đầu tư với di tích…

Đón nhận các nghị quyết này, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện và nhiều DN ở Hà Nội đều nhận định, việc phân cấp, ủy quyền triệt để sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN, giúp các chính sách, quy định pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Với nhiều lĩnh vực, đã giúp giải phóng nguồn lực của những quận, huyện có nguồn lực tốt, tăng tính chủ động.

Ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, UBND TP đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án, giao nhiệm vụ cụ thể từng ngành, lĩnh vực để tiếp tục rà soát, xây dựng đồng bộ quy định phân cấp. Đặc biệt, TP đã ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, quy trình để tổ chức thực hiện thống nhất toàn TP, tránh phát sinh thủ tục...

Cùng với đó, liên tục trong thời gian qua, TP đã ban hành rất nhiều các văn bản về phân cấp, ủy quyền các thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực, đây là căn cứ quan trọng đề đưa Nghị quyết vào triển khai.

Một Nghị quyết khác cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri vì liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đó là Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 “thông qua Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”.

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện đã xuống cấp trên địa bàn TP Hà Nội là vấn đề được nói đến rất nhiều, với khó khăn, phức tạp không ít, đã qua nhiều năm triển khai nhưng kết quả còn rất hạn chế.

Như những con số thống kê được đưa ra tại thời điểm ban hành nghị quyết, TP có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, được xây dựng từ năm 1960 - 1994 và trước năm 1954. Qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, việc sửa chữa, cơi nới tự phát, hạ tầng kèm xuống cấp khiến nhiều chung cư ở tình trạng rất xuống cấp.

Trong nhiều năm qua, TP cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Việc HĐND TP thông qua Nghị quyết, để TP tiếp tục triển khai đề án với những định hướng, giải pháp, kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể là một bước đột phá rất quan trọng. Từ đây sẽ thúc đẩy việc kiểm định cũng như việc đầu tư xây dựng đối với từng khu chung cư; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch, về giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Có thể nói rằng, dù Nghị quyết chỉ là bước khởi đầu nhưng là cơ sở quan trọng cho các bước tiếp theo để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, thúc đẩy việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị khu vực chung cư cũ thuận lợi hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cũng như giá trị kiến trúc cảnh quan đô thị.

Đến những nghị quyết cấp thiết

Trở lại thời điểm khi dịch Covid -19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, do đó những quyết sách được ban hành trong giai đoạn này cũng có những đặc thù.

Bên cạnh những nghị quyết quan trọng về các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, HĐND TP đã khẩn trương, gấp rút xem xét, thẩm tra, ban hành một số nghị quyết xuất phát từ yêu cầu thực tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngay tại Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND ngày 23/6/2021 quy định một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 23/8/2021, HĐND TP đã ban hành 3 Nghị quyết số 15, 16 và 17/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn do ảnh hưởng dịch Covid-19 và quy định ngân sách Nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hỏa táng với người nhiễm Covid-19.

Đến tháng 9/2021, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Nghị quyết 08/NQ-HĐND quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Năm 2022, trải qua một thời gian dài chiến đấu với đại dịch, cán bộ, nhân viên ngành y tế bị bào mòn sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, nắm bắt được thực tế này nên khi UBND TP trình bày tờ về hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 9/2022) HĐND TP đã ban hành Nghị quyết 19/2022/NQ-HĐND về nội dung này.

Trong thời điểm đó, việc ban hành những Nghị quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi đã hỗ trợ kịp thời cho người dân, cán bộ, nhân viên y tế và thể hiện sự quan tâm sát sao của các sở, ngành TP.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đối với chính sách hỗ trợ y tế, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết hỗ trợ tất cả cán bộ trong ngành y tế và cán bộ làm công tác y tế ở các trung tâm bảo trợ xã hội mức từ 5 - 10 triệu đồng, trong đó 10 triệu đồng hỗ trợ cho cán bộ y tế trực tiếp chống dịch.

Khi xây dựng cơ chế này ngành y tế đề xuất hướng hỗ trợ mang tính chất thường xuyên, hàng tháng như phụ cấp thêm do trong thời gian phòng, chống dịch đời sống cán bộ y tế vất vả, khó khăn.

"Chúng tôi thấy rất cần thiết nhưng để hỗ trợ hàng tháng thì vấp phải nhiều vướng mắc của quy định nên đã quay sang phương án hỗ trợ 1 lần để động viên, tri ân và sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách khác.

Khi thực hiện cơ chế hỗ trợ này TP đã bỏ ra ngân sách chi 250 tỷ đồng với tổng số 26.000 cán bộ toàn ngành y tế khối công lập. Đây là cơ chế được đánh giá cao" - ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Như nhiều đại biểu HĐND TP đã nhận định, đây là những chính sách đặc thù, kịp thời, thiết thực của TP trong suốt 2 năm phòng, chống đại dịch Covid-19. Qua đó tiếp tục chia sẻ với Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tạo sự đồng thuận, góp phần lớn vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô sau đại dịch.

 

Tôi rất quan tâm đến những đổi mới trong hoạt động của HĐND TP Hà Nội, đặc biệt là việc ban hành nghị quyết, rất trúng và đúng vấn đề thực tế đặt ra. Cùng với những nghị quyết chuyên đề quan trọng cho giai đoạn phát triển lâu dài, nhiều vấn đề cấp thiết đã được HĐND TP nhanh chóng vào cuộc, để thích ứng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Từ các chính sách để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, xử lý dự án chậm, đến những chính sách về an sinh xã hội… Rõ ràng, những chính sách ấy có ý nghĩa rất thiết thực, tác dụng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống Nhân dân Thủ đô. Đây chính là cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh, thúc đẩy sự phát triển của TP.
Phó Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An