Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động của HĐND Thành phố Hà Nội: Hơi thở cuộc sống trong những quyết sách

Hà Bình - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Chủ động, đồng hành, thực chất, hiệu quả”- là quan điểm cũng là mục tiêu HĐND TP Hà Nội đã và đang thực hiện. Tại các kỳ họp, với sự nhạy bén, thích ứng linh hoạt với điều kiện để hoàn thành các "đầu việc", HĐND TP đã kịp thời ban hành hàng loạt quyết sách hợp lòng dân.

Hoạt động của HĐND TP Hà Nội thời gian qua đã có nhiều đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Thanh Hải
Hoạt động của HĐND TP Hà Nội thời gian qua đã có nhiều đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Thanh Hải

Bài 1: Đổi mới để góp sức cho thành công chung

Với vị trí của một đô thị đặc biệt, Thủ đô của cả nước, TP Hà Nội được coi là đầu tàu, hạt nhân, dẫn dắt các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Do đó, sự đổi mới trong hoạt động của HĐND TP Hà Nội không chỉ có ý nghĩ quan trọng đối với TP Hà Nội mà còn tạo ra sự lan tỏa, dẫn dắt cả khu vực.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, thể hiện vai trò dân chủ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri trong quyết định các vấn đề lớn của Thủ đô, HĐND TP đã lựa chọn trúng và đúng, quyết nghị hàng loạt vấn đề quan trọng, phù hợp với thực tiễn đặt ra. Đây chính là tiền đề cho Hà Nội triển khai những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng mà Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đã đề ra.

Linh hoạt, phù hợp thực tiễn

Trở lại thời điểm tháng 9 năm 2021, sau hai lần phải hoãn lại vì diễn biến của dịch Covid-19, Kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa XVI đã diễn ra với một hình thức lần đầu tiên được triển khai đó là kết hợp trực tiếp và trực tuyến; thời gian họp cũng giảm từ 3,5 ngày xuống 1,5 ngày. Nhưng không vì thế mà không khí sôi nổi tại các phiên thảo luận cũng như chất lượng kỳ họp giảm xuống.

Nhằm đổi mới và để đảm bảo tốt các điều kiện cho kỳ họp này, các nội dung quan trọng và dự thảo nghị quyết đều được Thường trực HĐND TP gửi phiếu xin ý kiến trước để các vị đại biểu tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến đánh giá, quyết nghị những giải pháp, cơ chế, chính sách trình tại kỳ họp. Trước kỳ họp, Thường trực HĐND TP đã tổng hợp 50 ý kiến thảo luận bằng văn bản của các vị đại biểu gửi UBND TP để báo cáo, tiếp thu, giải trình.

 

Tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả, HĐND TP Hà Nội đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi; chọn “đúng” và “trúng” các vấn đề quan trọng, cấp bách để giám sát, chất vấn, giải trình. Việc tiếp tục đổi mới hoạt động của HĐND và nâng cao vai trò và trách nhiệm của HĐND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của TP đã tạo ra những dấu ấn đậm nét"- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Trong những ngày diễn ra kỳ họp, tại các điểm cầu, các tổ HĐND đã thảo luận rất thẳng thắn vào các vấn đề để làm rõ tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh khi các nghị quyết được thông qua.

Đây cũng là kỳ họp đã thông qua số lượng nghị quyết lớn với 2 nghị quyết thường kỳ và 16 nghị quyết chuyên đề. Trong đó, có những nghị quyết rất quan trọng như: Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, tài chính của 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các chính sách về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19…

Kỳ họp thành công là minh chứng cho sự "nhập cuộc" để thích ứng của Thường trực HĐND TP. Bởi giữa vô vàn quy định trong thời kỳ phòng, chống dịch, từ "giãn cách xã hội" đến phân loại mức độ dịch, phân vùng dịch... để đảm bảo hoàn thành các công việc, Thường trực HĐND TP đã có những cách làm sáng tạo, đổi mới để kịp thời thông qua được các quyết sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại thời điểm ấy.

Như Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã nhận định, tại Kỳ họp thứ 2 của HĐND TP Hà Nội khóa XVI, trong các nghị quyết thường kỳ và chuyên đề được thông qua, có những nội dung tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Đây là bước đầu tiên, cơ sở pháp lý quan trọng để những chính sách, cơ chế mới được thực thi, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội - đô thị cũng như đời sống người dân.

Hoạt động của HĐND TP Hà Nội có nhiều đổi mới mạnh mẽ. Ảnh: Thanh Hải 
Hoạt động của HĐND TP Hà Nội có nhiều đổi mới mạnh mẽ. Ảnh: Thanh Hải 

Đây cũng là tiền đề để HĐND các cấp TP Hà Nội bắt đầu một nhiệm kỳ mới với những dấu ấn đậm nét, trong đó từng kỳ họp đã tiếp tục những bước đổi mới để nâng cao chất lượng theo phương châm chủ động, đồng hành, thực chất, hiệu quả, quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với 11 kỳ họp (cả thường kỳ và chuyên đề), HĐND TP đã ban hành hàng trăm nghị quyết. "Các kỳ họp của HĐND TP đều được chuẩn bị chất lượng, kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa.

Chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, hợp lý, giảm thời gian trình bày báo cáo, dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận tại tổ và tại hội trường. Không khí kỳ họp diễn ra sôi nổi, dân chủ, thực chất, phát huy trí tuệ tập thể.

Các đại biểu HĐND TP nghiêm túc, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, đề ra các giải pháp hiệu quả trong từng vấn đề được quyết nghị"- Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định.

Vào cuộc từ sớm, từ xa

Tại các kỳ họp, HĐND TP thể hiện và thực hiện quyền quyết định của mình thông qua việc thảo luận và ban hành các nghị quyết. Nhưng đúng như nhiều đại biểu HĐND TP đã nhận định, xây dựng nghị quyết không đơn thuần là việc vạch ra những “con số, quy định trên giấy” mà luôn là việc khó.

Bởi điều quan trọng sau đó, các quyết sách ấy mang lại hiệu quả trong thực tiễn, góp phần thế nào vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hay giải quyết những vấn đề dân sinh.

Do đó, dù là những quy định mang tính định kỳ hay những cơ chế, chính sách mới, để được HĐND TP thông qua, các nghị quyết đều đã có sự chuẩn bị công phu, thảo luận kỹ càng, với sự nhìn nhận nhiều chiều, nhiều khía cạnh và xuất phát từ đời sống thực tiễn.

Qua thực tiễn hoạt động của HĐND TP Hà Nội những năm qua có thể thấy, để có được những nghị quyết thật sự chất lượng phụ thuộc vào cả chuỗi các hoạt động của HĐND, của Thường trực, các ban, các đại biểu, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan.

Trong đó, điểm nhấn thành công chính là ở chỗ: căn cứ vào nghị quyết HĐND về chương trình xây dựng nghị quyết hằng năm và tình hình thực tiễn của TP, chỉ đạo của T.Ư, từ lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND đã phối hợp chặt chẽ với UBND, Ủy ban MTTQ TP, chọn đúng, trúng những vấn đề cần đưa ra bàn, quyết định tại mỗi kỳ họp.

Thường trực HĐND chỉ đạo các Ban HĐND chủ động tiến hành các hoạt động giám sát, khảo sát về những nội dung sẽ trình kỳ họp; chủ động tham gia với UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND ngay từ đầu và trong suốt quá trình góp ý trong xây dựng tờ trình, đề án để có sự thống nhất cao khi đưa ra kỳ họp và có tính khả thi trong thực thi; nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thể hiện rõ quan điểm, đủ căn cứ để tham mưu, định hướng cho việc bàn, quyết định của HĐND…

Cùng đó, thường xuyên phối hợp với MTTQ trong việc xác định hay bổ sung, điều chỉnh nội dung kỳ họp và thống nhất để MTTQ tổ chức phản biện xã hội đối với các dự thảo Nghị quyết của HĐND TP - nhất là những nghị quyết, cơ chế, chính sách khó, phức tạp, có ảnh hưởng tới các mặt đời sống xã hội.

Các ý kiến phản biện xã hội của MTTQ đã được các Ban nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thẩm tra, Thường trực HĐND còn chỉ đạo sao gửi đến từng đại biểu HĐND TP để nghiên cứu. Chính việc vào cuộc ngay từ sớm, từ đầu đã tránh được việc nghị quyết xa rời cuộc sống, luôn đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo Trưởng van Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình, quá trình để xây dựng, ban hành cơ chế chính sách có sự phối hợp chặt chẽ, tương tác giữa các Ban của HĐND với các cơ quan chuyên môn của TP và các đơn vị khác khi trình nghị quyết.

Bởi thế hầu hết các dự thảo nghị quyết khi đến giai đoạn thẩm tra, trình kỳ họp thường có sự đồng thuận và thống nhất cao, gần như không có chuyện trình kỳ họp mà có ý kiến dừng.

"Trong quá trình xây dựng nghị quyết có nhiều nội dung sở, ngành trình, chúng tôi thấy không phù hợp và có ý kiến mạnh mẽ nên các sở, ngành rút không trình nữa mà để lại tiếp tục nghiên cứu trước khi trình ở kỳ họp sau"- Trưởng ban Văn hóa – xã hội chia sẻ.

Như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã nhận định, sự phối hợp hoạt động giữa các cấp HĐND TP Hà Nội và giữa HĐND với các cơ quan trong hệ thống chính trị thường xuyên và chặt chẽ.

Hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND TP ngày càng sát thực tiễn, sát dân, sát cơ sở và phát huy hiệu lực, hiệu quả đã khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của cơ quan đại diện cho ý trí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

 

Trưởng ban Pháp chế của HĐND TP Duy Hoàng Dương: Xác định được tầm quan trọng của chức năng xây dựng nghị quyết, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND TP - đặc biệt là Thường trực HĐND TP đã xây dựng chương trình, đề án nêu giải pháp nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ, trong đó có kế hoạch với 88 nội dung nghị quyết cần xây dựng đến năm 2026. Hằng năm HĐND bám sát kế hoạch 5 năm của TP để xây dựng nghị quyết, đồng thời nghị quyết hằng năm được xây dựng dựa trên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa XVII, trên cơ sở căn cứ nhiệm vụ thực tế xuất phát từ kiến nghị của cử tri và thông qua hoạt động giám sát hằng năm của HĐND để xây dựng kế hoạch hằng năm.

(còn nữa)