Đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn Hà Nội tiếp tục chăm lo, phát triển toàn diện vùng dân tộc miền núi, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong giai đoạn tới.
Một điển hình trong nâng cao đời sống đồng bào
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đại đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua, các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc, miền núi.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến:
Để đời sống đồng bào ngày một tốt hơn
15 năm kể từ khi Nghị quyết số 15 của Quốc hội đi vào cuộc sống đánh dấu những bước thay đổi tiến bộ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô. Dù vậy, thực tế hiện nay cho thấy sự chênh lệch về thu nhập, giàu nghèo giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực đồng bằng vẫn còn có khoảng cách khá xa. Trước tình hình đó, đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác dân tộc các cấp cần chủ động, tích cực tham mưu cho TP đề ra những chủ trương, chính sách sát và đúng với tình hình thực tế; đặc biệt là phù hợp nguyện vọng của đồng bào, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.
Trong thời gian tới, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị của TP Hà Nội cần nâng cao hơn nữa nhận thức, xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong quán triệt và triển khai đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, phấn đấu để đời sống của đồng bào vùng dân tộc miền núi Thủ đô ngày một tốt hơn.
Nhiều chính sách dân tộc được thực hiện có hiệu quả giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn cả nước nói chung được nâng lên rõ rệt.
Tại Thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ 50 dân tộc thiểu số, sinh sống tập trung thành cộng đồng ở 13 xã và 1 thôn của 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức), đông nhất là đồng bào dân tộc Mường, Dao.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhìn nhận, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, TP Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao công tác chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Cụ thể hóa mục tiêu trên, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô”. HĐND TP Hà Nội đã thông qua hàng loạt Nghị quyết phân bổ ngân sách, dành nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cho vùng dân tộc miền núi. Trên cơ sở đó, UBND TP đã ban hành nhiều kế hoạch cụ thể để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
Hiệu quả của nguồn lực đầu tư đó là hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao.
Đến nay, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi giảm nhanh và ngày một bền vững.
“Có thể nói, Hà Nội là một trong những địa phương điển hình tiên tiến, dẫn đầu cả nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đó, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở ngày càng được nâng lên” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá.
Giúp đồng bào dân tộc có khát vọng vươn lên
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã thay đổi toàn diện. Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, thành quả đó một phần là nhờ các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc của Hà Nội đã rất chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền TP ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức thực hiện thắng lợi công tác dân tộc nói chung.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số miền núi còn khó khăn”. Với Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đánh giá thực tế hiện nay, sự chênh lệch về thu nhập, giàu nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng đồng bằng còn có khoảng cách khá xa; vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực chậm phát triển và dễ bị tổn thương nhất.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, mức sống và thu nhập của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với người dân các xã khu vực ngoại thành. Toàn vùng cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP. 100% xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Cùng với đó, giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu ít nhất 60% số xã hoàn thành xây nông thôn mới nâng cao và 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trước tình hình đó, trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị hệ thống chính trị của TP tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng mong muốn TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn để nâng cao hơn nữa đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, có khát vọng vươn lên ngay trên quê hương của mình, hòa nhập với sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến quy hoạch, quản lý quy hoạch về đất ở, đất sản xuất và cơ sở hạ tầng để đồng bào yên tâm phát triển kinh tế.
“Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tin tưởng rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội của TP Hà Nội sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan công tác dân tộc các cấp hoạt động; ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô; thiết thực giúp đỡ đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
(còn nữa)