Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn Nghị quyết 15 - nhìn từ những đổi thay vùng dân tộc miền núi

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- LTS: Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 (Nghị quyết 15) đưa nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc tỉnh Hà Tây trước đây và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) trở thành một phần của Hà Nội.

Hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù đã được Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội ban hành nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau 15 năm kể từ khi Nghị quyết 15 đi vào cuộc sống đã khẳng định đây là chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử của Quốc hội, góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc miền núi của Thủ đô.

Bài 1: Những ngày đầu triển khai Nghị quyết 15

Sau khi Nghị quyết 15 được Quốc hội ban hành, Hà Nội có 13 xã và 1 thôn thuộc 5 huyện tập trung đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống. Hầu hết các địa phương có xuất phát điểm thấp; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hạn chế. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhiều bề.

Dấu ấn Nghị quyết 15 - nhìn từ những đổi thay vùng dân tộc miền núi - Ảnh 1
Một góc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Tiến Xuân
(huyện Thạch Thất). Ảnh: Lâm Nguyễn

Cơ sở hạ tầng “vừa thiếu, vừa yếu”

Nằm ven Vườn Quốc gia Ba Vì, tiếp giáp dòng sông Đà, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) là địa phương vùng dân tộc miền núi nằm cách xa trung tâm Hà Nội nhất, với khoảng cách lên đến gần 100km. 15 năm trước, nơi đây vẫn rất ít người lui tới, không chỉ bởi khoảng cách xa xôi, mà còn bởi con đường dẫn về nơi đây gập ghềnh, khó đi.

Chị Đinh Thị Hiền ở thôn Gò Đá Chẹ (xã Khánh Thượng) cho biết, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn do đường đi có nhiều ngầm tràn. Trước đây, bà con thường phải lội nước. Không chỉ vậy, do chưa được cứng hóa nên lối đi vẫn chủ yếu là đường đất, trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa nên rất nguy hiểm. Việc đi lại khó khăn khiến sản xuất của người dân xã Khánh Thượng nhìn chung rất vất vả.

Bà con có nghề đan lát chổi chít, nhưng do nằm xa trung tâm nên khó phát triển giao thương. Sau gần 15 năm mở rộng địa giới hành chính, được thụ hưởng chính sách dân tộc đặc thù, nên hiện nay hạ tầng giao thông nơi đây dần được cải thiện.

Ngược lên phía Tây Hà Nội, thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ), nơi tập trung rất đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn về hạ tầng điện - đường - trường - trạm những ngày đầu thực hiện Nghị quyết 15, nhất là về điều kiện cơ sở vật chất y tế.

Ông Nguyễn Viết Đăng (thôn Đồng Ké) cho biết, do nằm xa trung tâm nên trước đây bà con phải đi quãng đường hàng chục cây số để khám chữa bệnh tại Trạm y tế trung tâm xã. Việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Không chỉ ông Đăng mà hàng ngàn người dân các thôn, xóm ven hồ Đồng Sương, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh cũng cùng chung cảnh ngộ, cho đến trước khi một trạm y tế thứ hai được chính quyền đầu tư xây dựng.

Trong khi đó, đối với vùng đồng bào các dân tộc ở hai xã Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai), việc được tiếp cận điện lưới Quốc gia là niềm mong mỏi lớn. Trong nhiều năm trước khi thực hiện Nghị quyết 15, tại hai địa phương này, rất nhiều gia đình không có điện để sử dụng do nằm quá xa trung tâm.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Mãn Bùi Văn Thảo cho biết, các hộ đồng bào dân tộc sinh sống ở xa khu dân cư tập trung nên việc kéo điện gặp nhiều khó khăn và rất tốn kém. Nhiều trường hợp nằm tách biệt với khu trung tâm, cho đến mãi năm 2015 mới được cấp điện. Ánh sáng văn minh cũng thay đổi đời sống đồng bào các dân tộc kể từ ngày đó.

Rào cản phát triển kinh tế

“Nếu như trước đây bà con chỉ cấy được một vụ thì nay một năm có thể canh tác đến ba vụ. Nông nghiệp địa phương đã không còn cảnh "đợi nước trời để cấy hái"…” - Anh Dương Văn Hồng ở thôn Hợp Nhất (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) phấn khởi chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của hiện tại, khi hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư đã thay đổi hoàn toàn điều kiện canh tác cũ của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

Tại vùng đất còn nhiều khó khăn nằm ven Vườn Quốc gia Ba Vì, những diện tích canh tác lúa nhỏ lẻ, manh mún. Trung bình mỗi hộ chỉ có khoảng 1 - 2 sào gieo cấy lúa. Cũng bởi vậy mà nhiều hộ dân đã phải gom đất để mỗi hộ canh tác một vụ, như cách anh Hồng chia sẻ, để “cho bõ dắt con trâu xuống đồng”.

Chỉ tay về phía bốn bề núi đá, ông Lê Văn Tiến ở thôn Thanh Hà (xã An Phú, huyện Mỹ Đức) cho biết, địa thế đồi núi phức tạp khiến canh tác nông nghiệp của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Nhưng không chỉ có vậy, vùng đất “chân chim bóng núi” còn chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết. “Do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư nên nào mùa khô, nhiều diện tích canh tác nông nghiệp của bà con thường xuyên rơi vào cảnh thiếu nước sản xuất.

Trong khi vào mùa mưa, lũ rừng ngang từ trên Hòa Bình đổ về lại nhấn chìm những bờ thửa. Nhiều vụ mùa bà con rơi vào cảnh tay trắng…” - Ông Lê Văn Tiến cho hay.
So với xã An Phú (huyện Mỹ Đức), điều kiện phát triển kinh tế của xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) cũng khó khăn không kém. Nơi đây từng là một phần của huyện miền núi Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Ngày mới hợp nhất về với Thủ đô, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mường nơi đây vẫn loay hoay với “trồng cây gì, nuôi con gì”.

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung Nguyễn Văn Lịch cho biết, là địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống nên kỹ thuật canh tác nông nghiệp của bà con cũng có phần hạn chế. Cơ giới hóa vẫn là một khái niệm xa vời với người dân nơi đây.

“Trong nhiều năm kể từ ngày về với Thủ đô, bà con nơi đây vẫn chỉ biết trông vào nông nghiệp. Nhưng khi giao thông nội đồng và hệ thống thủy lợi chưa có điều kiện được đầu tư, nâng cấp, sản lượng thóc lúa hầu như chỉ đủ để bảo đảm lương thực tại chỗ cho người dân. Đời sống của đồng bào các dân tộc nhìn chung còn thiếu thốn nhiều bề…” - Ông Lịch chia sẻ.

Vẫn còn thôn, xã đặc biệt khó khăn

Cho đến nhiều năm về sau này, câu chuyện giảm nghèo của xã Ba Vì (huyện Ba Vì) vẫn được xem là một kỳ tích. Gần 15 năm trước, khi mới thực hiện Nghị quyết 15, xã Ba Vì vẫn được Chính phủ xếp vào nhóm thôn, xã đặc biệt khó khăn của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây có giai đoạn lên tới hơn 30%, tức cứ 10 hộ dân lại có hơn 3 hộ nghèo. Đó là chưa kể số hộ cận nghèo chiếm gần 50% tổng số hộ.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên chia sẻ, điều kiện kinh tế khó khăn khiến nhiều hộ dân ở xã Ba Vì không có điều kiện chỉnh trang, nâng cấp nhà ở. Nhà ở tạm, nhà dân dột nát không phải hiếm gặp nếu ghé thăm nơi đây vào những năm 2008.

Xây dựng nông thôn mới trở thành mục tiêu thực sự xa vời với địa phương nằm ven Vườn Quốc gia Ba Vì. Và thực tế mãi tới đầu năm 2022, xã Ba Vì mới hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, là địa phương cuối cùng của Hà Nội hoàn thành được Chương trình mục tiêu Quốc gia này.

Tương tự tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức), thời điểm những năm 2008, có đến 6/13 thôn được xếp vào nhóm đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây vào năm 2016, theo tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 còn đến hơn 38%. Thu nhập bình quân đầu người mới dừng ở 19 triệu đồng/người/năm…

Nguyên Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, toàn TP có 13 xã và 1 thôn thuộc 5 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống quần cư thành làng bản.

Trong đó có 1 xã và hàng chục thôn thuộc khu vực III (thôn, xã đặc biệt khó khăn). Dù vẫn được chính quyền các cấp của tỉnh Hà Tây trước đây và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) quan tâm đầu tư, tuy nhiên cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc miền núi vẫn còn thiếu và yếu.

Điều kiện phát triển kinh tế hạn chế khiến đời sống của người dân nhìn chung còn nhiều khó khăn, vất vả. Điều này đặt ra bài toán phát triển đầy nan giải đối với TP Hà Nội khi Nghị quyết 15 của Quốc hội đi vào cuộc sống.
(còn nữa)