Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bãi bỏ nhiều loại phí trong nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sức ép từ dư luận về tình trạng “lạm thu” phí, lệ phí trong nông...

Kinhtedothi - Trước sức ép từ dư luận về tình trạng “lạm thu” phí, lệ phí trong nông nghiệp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cải cách mạnh mẽ, toàn diện hoạt động này. Qua đó  tháo gỡ khó khăn, giảm bớt gánh nặng cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khi gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Từ câu chuyện con lợn

Không chỉ riêng đối với quả trứng, con gà, việc thu phí, lệ phí trong chăn nuôi lợn cũng được nhiều người dân rất quan tâm. Nhằm làm rõ tình hình, cuối tháng 9, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đã ban hành Công văn số 1829/TY-TC gửi các cơ quan thú y vùng, chi cục thú y các tỉnh, TP về việc báo cáo tình hình thu phí và lệ phí kiểm dịch, kiểm soát giết mổ lợn sau khi thực hiện Thông tư 113/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Kết quả tổng hợp thông tin từ các địa phương cho thấy, về thu phí kiểm dịch vận chuyển lợn lưu thông trong nước, chỉ thu phí một loại phí kiểm tra lâm sàng. Trong đó, đối với lợn từ 15kg trở xuống là 500 đồng/con và lợn trên 15kg là 1.000 đồng/con.
Chăn nuôi lợn tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa.     Ảnh: Bình Minh
Chăn nuôi lợn tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Bình Minh
Về thu phí chi phí cho việc mua thẻ tai, đối với lợn thịt, theo quy định không bấm thẻ tai và chỉ niêm phong phương tiện vận chuyển. Do vậy, không có chi cục thú y nào tổ chức bấm thẻ tai. Đối với lợn giống, theo báo cáo của các chi cục thú y, hầu hết chủ gia súc tự bấm thẻ tai trong quá trình nuôi nên khi vận chuyển không tổ chức bấm thẻ tai và không thu phí cho hoạt động này. Hiện, cả nước chỉ có Chi cục Thú y Sơn La và Hòa Bình thu tiền dây niêm phong theo giá mua dây niêm phong (từ 3.500 - 6.000 đồng/dây) và thẻ tai cho lợn giống chưa được bấm thẻ tai trong quá trình nuôi.

Việc thu phí kiểm soát giết mổ lợn cũng thực hiện theo Thông tư 04/2012/TT-BTC và Thông tư 113/2015/TT-BTC. Cụ thể, phí kiểm soát giết mổ lợn thịt với cơ sở công suất từ 100 con/ngày là 6.500 đồng/con, công suất dưới 100 con/ngày là 7.000 đồng/con. Phí kiểm soát giết mổ lợn sữa là 700 đồng/con đối với cơ sở giết mổ có công suất từ 200 con/ngày và 1.000 đồng/con đối với cơ sở công suất dưới 200 con/ngày. “Hiện nay, cơ quan thú y địa phương chỉ thu 2 loại phí để thực hiện công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ lợn, còn một loại phí lấy mẫu xét nghiệm bệnh thì theo yêu cầu của chủ cơ sở chăn nuôi lợn” - Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành cho biết.

Đến cải cách toàn diện

Việc thu phí trong công tác thú y là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và thế giới. Ngay như Thái Lan, một quốc gia xuất khẩu 4 - 5 tỷ USD thịt gà công nghiệp/năm, ngân sách nước này đã chi 184 triệu USD mỗi năm cho chi phí thú y. Theo ông Thành, Luật Thú y đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực từ 1/7/2016, được đánh giá là có nhiều cải cách mới, ưu việt hơn. Theo đó, các địa phương không phải thực hiện khâu kiểm dịch nội tỉnh. Đồng thời không kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật từ những cơ sở an toàn dịch bệnh.

Để phù hợp với hướng dẫn của Luật Thú y, Dự thảo Luật Phí, lệ phí, ngoài sửa đổi, bãi bỏ 35 khoản phí, lệ phí thú y từ hồi tháng 8/2015, Cục Thú y đang xây dựng danh mục khoản thu phí. Bên cạnh đó, chuyển mạnh sang cơ chế giá đối với những hạng mục liên quan đến hóa chất, vật tư, kinh phí chẩn đoán thú y, kiểm nghiệm thuốc… Qua rà soát, trong lĩnh vực thú y, từ 512 khoản thu phí sẽ giảm xuống còn 86 khoản thu phí và từ 20 khoản thu lệ phí sẽ chỉ còn một khoản thu đối với cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là rà soát, giảm thiểu phí, lệ phí trong sản xuất, kinh doanh. Tinh thần là những loại phí, lệ phí nào có thể bỏ được thì sẽ bãi bỏ. Đến nay, qua rà soát, trong số 91 danh mục lệ phí của ngành nông nghiệp có thể rút xuống còn 36 danh mục, được nhóm lại chỉ còn 5 tên mục đưa vào Dự thảo Luật Phí, lệ phí. Đối với các loại phí, từ 750 loại dự kiến sẽ rút xuống còn 166 loại, được gom lại chỉ còn 18 tên mục. Ông Tuấn khẳng định, Bộ NN&PTNT cam kết thực hiện toàn diện các nhiệm vụ này, song cũng cần thời gian khoảng một năm tới mới có thể đi vào ổn định.