Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạt bài: Mầm non ngoài công lập - bản lĩnh để phục hồi

Bài cuối: Giải pháp tái thiết mầm non ngoài công lập

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Năm học 2022-2023 mang đến nhiều gam màu sáng và mở ra chặng đường mới cho mầm non ngoài công lập (MNNCL). Tuy nhiên, với quá nhiều tổn thương phải gánh chịu vì đại dịch Covid- 19, hệ thống MNNCL cần có thời gian cùng các cơ chế, chính sách hợp lý để phục hồi và phát triển.

Tiếp tục giữ chân giáo viên mầm non

Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh, trong đó có gần một năm phải đóng cửa hoàn toàn, hệ thống MNNCL bị sụp đổ một phần khi có nhiều cơ sở giải thể và chờ giải thể. Ngay cả khi được phép mở cửa trở lại, các cơ sở phải hoạt động cầm chừng hoặc ở trạng thái gắng sức mà chưa thể quay về guồng cũ do thiếu hụt trầm trọng về nhân sự và nguồn lực.

Quận Tây Hồ (Hà Nội) có 68 cơ sở/nhóm trẻ/lớp mẫu giáo độc lập nhưng sau đại dịch, đã có 9 cơ sở giải thể, còn lại đa số vừa trở lại hoạt động nhưng đều lâm vào trạng thái thiếu giáo viên. Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ Lê Thị Nga bày tỏ, việc thiếu hụt giáo viên là vấn đề đã được nhìn thấy từ trước và muốn khắc phục được tình trạng này ngay lập tức là rất khó bởi hiện rất ít học sinh, sinh viên hứng thú với ngành giáo dục mầm non.

Để bù lấp khoảng trống thiếu giáo viên, giải pháp đầu tiên mà các trường áp dụng là hô hào, động viên những giáo viên đang làm nghề khác nếu còn tâm huyết thì quay trở lại với nghề ở giai đoạn khó khăn trước mắt, sau đó tuyển mới nhân sự để ổn định dần. Việc giữ chân giáo viên đang làm việc cũng cần được quan tâm, đòi hỏi người quản lý cần nhẹ nhàng nhất, tình cảm nhất, có cách ứng xử hợp lý nhất để tạo môi trường làm việc vui vẻ, hạnh phúc, giúp lan tỏa tình yêu cùng mong muốn gắn với bó với nghề của các cô giáo mầm non.

Đồng tình với quan điểm kêu gọi giáo viên cũ quay trở về là cách dễ dàng nhất để phần nào khỏa lấp khoảng trống thiếu giáo viên, chị Nguyễn Thanh Vân chủ cơ sở Mầm non VietKid chia sẻ, cơ sở của chị đã bằng mọi cách, mọi kênh, mọi mối quan hệ để động viên, thậm chí nài nỉ các cô giáo quay về, kể cả việc trả bù thêm 1-2 tháng lương. Chị Vân lí giải: “Chỉ cần giữ chân được giáo viên thì dù chịu thiệt thòi ban đầu nhưng cơ sở được nhiều lợi về sau và yên tâm hơn rất nhiều bởi nếu không đủ nhân sự có chất lượng, cơ sở sẽ không đủ điều kiện để tuyển sinh thêm trẻ và cũng không đủ uy tín để giữ chân trẻ ở lại trường”.

điểm kêu gọi giáo viên cũ quay trở về là cách dễ dàng nhất để phần nào khỏa lấp khoảng trống thiếu giáo viên
Kêu gọi giáo viên cũ quay trở về là cách dễ dàng nhất để phần nào khỏa lấp khoảng trống thiếu giáo viên

Về vấn đề này, TS Trần Thị Hà Giang, Trưởng khoa Sư phạm (trường ĐH Thủ đô Hà Nội) nêu: Thực tế, thiếu giáo viên mầm non là tình trạng thường xuyên của nhiều địa phương, chỉ là sau đại dịch thì số giáo viên bị thiếu nhiều hơn và phổ biến hơn. Tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội, qua theo dõi các năm thì 98% sinh viên chuyên ngành Giáo dục mầm non ra trường xin được việc ngay, 2% vì lý do khác nhau không theo nghề. Sau dịch bệnh, các trường/cơ sở cần thời gian tái thiết lại hệ thống và lượng học sinh ra lớp chưa đạt 100% cũng là cơ hội để MNNCL có điều kiện tuyển dụng, làm mới mình.

Cần tổng thể nhiều giải pháp

Việc hồi phục hệ thống giáo dục mầm non luôn được xác định là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài đã được đưa ra, trong đó có thể kể đến sáng kiến của phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) về việc sẽ phối hợp với UBND quận và các đơn vị liên quan tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho ngành giáo dục mầm non để kêu gọi, thu hút giáo sinh, sinh viên ngành sư phạm về công tác tại quận nhằm đảm bảo đáp ứng đủ giáo viên đứng lớp trên số trẻ đến trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương quan tâm, chia sẻ khó khăn với hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương quan tâm, chia sẻ khó khăn với hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập

Là cơ sở mầm non đang gặp khó, chủ cơ sở Mầm non Vietkid Nguyễn Thanh Vân đề xuất, các trường/cơ sở mầm non mong muốn được cơ quan quản lý hỗ trợ trong công tác đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường truyền thông với phụ huynh và xã hội cho trẻ đến trường, luôn đồng hành với giáo viên để góp phần động viên các cô giáo và chủ trường tiếp tục vận hành các cơ sở giáo dục MNNCL.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non (trường Cao đẳng mẫu giáo Trung ương), giáo dục mầm non là ngành đặc thù và có vai trò xã hội rất quan trọng. Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến mỗi người dân về nhu cầu việc làm của ngành này để thu hút học sinh theo học là việc vô cùng cần thiết và phải làm ngay.

Nói về nhu cầu việc làm của ngành này, TS Nguyễn Thị Hồng Vân cho hay, hiện nhiều cơ sở mầm non đã đến tận trường Cao đẳng mẫu giáo Trung ương liên hệ tuyển giáo viên. Qua theo dõi, 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2021 và các khóa học trước đều việc làm ổn định sau khi ra trường với mức thu nhập khá tốt. Xét trên phương diện việc làm thì ngành giáo dục mầm non rất hấp dẫn, tuy nhiên không phải ai cũng biết điều này. Ở thời điểm hiện tại, giáo viên mầm non đang khan hiếm và thiếu, vì vậy nhu cầu nhân sự ngành mầm non tới đây càng lớn hơn.

Liên quan giải pháp khôi phục hoạt động các cơ sở MNNCL, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, Hà Nội cần tạo điều kiện thuận lợi, nhất là khi các trường có nhu cầu thành lập mới, tránh rườm rà về thủ tục hành chính. Nhóm trường MNNCL có vai trò quan trọng, đóng góp chung cho ngành giáo dục, giải nhiều bài toán, đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ huynh. Do đó, cần có chủ trương, biện pháp, cơ chế tạo điều kiện, định hướng phát triển nhóm trường này.

Với quan điểm: “Không vì Covid ảnh hưởng tới nụ cười và sự phát triển của trẻ”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương quan tâm, chia sẻ khó khăn với hệ thống giáo dục MNNCL, trong đó có thể tính toán tới việc liên thông giữa khối mầm non công lập với khối MNNCL để đảm bảo quyền học tập chung cho trẻ em.

Dù con đường phía trước còn nhiều gian khó nhưng với mong muốn có môi trường thân thiện, lành mạnh và chất lượng cho trẻ, các trường/cơ sở MNNCL đã, đang tái thiết lại hoạt động bằng nỗ lực, sự cố gắng bền bỉ và vượt trên tất cả là niềm đam mê. Câu chuyện về giáo dục MNNCL sau đại dịch Covid- 19 tuy chứa nhiều day dứt nhưng cũng thắp lên ngọn lửa mãnh liệt về tình yêu nghề. Và có một niềm tin chắc chắn rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa, hệ thống MNNCL sẽ phục hồi, phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

 

“Xã hội cần chung tay vực dậy hệ thống MNNCL trong giai đoạn hiện nay, khi khó khăn tạm qua đi thì các cơ sở sẽ tính các bước phát triển tiếp theo. Các chủ trường, thầy cô tâm huyết với nghề cần mạnh mẽ, tích cực hơn trong việc kêu gọi đầu tư mở trường, mở lớp, khôi phục trạng thái như trước, có nguồn lực đến đâu sẽ làm đến đấy. Các cơ sở nhỏ chưa đủ điều kiện mở lại có thể hợp tác với những người cùng chí hướng, cùng nhau duy trì hoạt động; tuyển dụng sinh viên mới ra trường để vừa làm, vừa đào tạo….”- PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Giảng viên cao cấp trường Đại học Giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Mầm non Ngoài công lập Việt Nam.