Kinhtedothi - Có một chi tiết thú vị là BHL đội U23 Việt Nam đã tỏ ra khá bối rối khi biết tin, bóng đá Malaysia có đến 2 đội U23 chuẩn bị cho những mục tiêu khác nhau. Trong khi đó, trước ngày đi Thái Lan tập huấn, ông Miura phải vội vàng triệu tập thêm 3 cầu thủ lên tuyển vì vấn nạn chấn thương.
Tầm nhìn xa
HLV Miura đã bị sốc và xáo trộn kế hoạch tập luyện khi biết tin, Malaysia có đến hai đội U23. Một đội được tập trung nhằm chuẩn bị cho SEA Games 28. Đây là thành phần thiện chiến, có nhiều cầu thủ từng tham dự ĐTQG. Đội bóng này được dẫn dắt bởi HLV gạo cội Ong Kim Swee. Và đội U23 thứ hai được cầm bởi một HLV ít tên tuổi hơn, ông Ismail Razip. Đội bóng này được tập trung khá sớm nhằm chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á được tổ chức trên sân nhà. Đáng nói, lâu nay ông Miura chỉ tập trung nghiên cứu đội bóng do ông Ong Kim Swee dẫn dắt mà bỏ qua đoàn quân của HLV Ismail Razip.
Tìm hiểu được biết, U23 Malaysia được cầm bởi HLV Ismail Razip chính là thành phần đội bóng trẻ được đào tạo bởi LĐBĐ Malaysia. Họ được biên chế thành một đội tuyển tham dự giải vô địch quốc gia và được đánh giá cao bởi trình độ chuyên môn. Chiến lược nuôi gà nòi của Malaysia được bắt nguồn từ người hàng xóm Singapore. Trong một thời gian dài hai LĐBĐ Singapore và Malaysia luôn thành lập đội dự tuyển trẻ và nuôi ăn tập trong thời gian dài. Đây là những đội bóng được thành lập nhằm thực hiện chiến lược dài hơi trong tương lai. Thậm chí, lãnh đạo liên đoàn không hề tiếc tiền đầu tư cho dàn cầu thủ trẻ tài năng. Họ thường xuyên cử đội tuyển ra nước ngoài tập huấn và thi đấu dài ngày.
Cái khó bó cái khôn
Cách đây không lâu, VFF từng định học LĐBĐ Singapore và Malaysia là thành lập đội dự tuyển U22 tham dự V.League để chuẩn bị cho SEA Games. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị dư luận, đặc biệt là các đội bóng phản ứng gay gắt bởi họ sẽ mất người. Các đội bóng lý luận rằng, họ đào tạo cầu thủ 10 năm không để phục vụ VFF. Hơn thế nữa, các cầu thủ trẻ tài năng đang rất cần với đội bóng.
Cuối cùng, VFF đành phải hoãn kế hoạch mà nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết cho tương lai đội tuyển và chính bản thân cầu thủ. Sau đó, các nhà quản lí bóng đá ngộ ra rằng, họ chỉ chủ động về kế hoạch xây dựng đội tuyển khi có con người trong tay. Một kế hoạch biến VFF thành một trung tâm đào tạo trẻ đã được kích hoạt và đến nay, VFF đã có 4 đội dự tuyển trẻ. Thế nhưng, cái khó của VFF chính là việc, họ không thể trực tiếp tuyển quân vì khi ấy sẽ cạnh tranh với các lò đào tạo của CLB. Họ đành hy vọng địa phương đồng ý nhả quân cho mình đào tạo giúp. Nhưng có điều, không phải CLB nào cũng đồng ý và nếu đồng ý thì sẽ cho những cầu thủ tốt nhất tham gia đội dự tuyển.
Đến giờ, sau rất nhiều nỗ lực, VFF cũng có được vài đội dự tuyển. Thế nhưng, để được tự chủ về nhân sự như Malaysia thì cần có ít nhất 3 năm nữa khi các cầu thủ U17, 18 hiện nay dần trưởng thành. Còn hiện tại, nhân sự của các ĐTQG vẫn phải phụ thuộc vào sự đóng góp của CLB. Mà ai cũng biết, để đội bóng tự nguyện đóng góp người cho ĐTQG thật chẳng đơn giản. Đội bóng bao giờ cũng có xu hướng giữ người bởi họ không muốn cầu thủ do mình đào tạo phải đối diện với rủi ro khi tham gia ĐTQG.
Các cầu thủ U23 Việt Nam trong một buổi tập.
|