Sự kiện không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nước Anh mà còn là minh chứng cho một EU với niềm tin rạn vỡ. Cuộc trưng cầu là một bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ phức tạp giữa Anh và phần còn lại của châu Âu. Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (tiền thân của EU) năm 1973. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên đã dần rạn nứt khi người dân Anh không đồng lòng với một số điều kiện khắt khe khi tham gia cộng đồng này. Một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong nhóm này từng diễn ra năm 1975. Tuy nhiên, phần lớn cử tri Anh đã bỏ lá phiếu quyết định ở lại. Sau khi Thủ tướng Margaret Thatcher lên cầm quyền năm 1979, bà cũng góp phần xoa dịu những rạn nứt này bằng cách đề ra những điều kiện riêng của nước Anh với tư cách một thành viên “đặc biệt” của EU. Song, cuộc khủng hoảng đồng Euro trong những năm gần đây đã khơi lại những nghi ngại của Anh với EU. Tới nay, kinh tế Anh chưa bị ảnh hưởng sâu rộng bởi cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, nỗi lo sợ của người Anh vẫn đang lớn dần, rằng họ sẽ phải chịu hậu quả để EU tiếp tục “sứ mệnh” cứu vớt những mắt xích yếu của châu Âu như Hy Lạp với cuộc khủng hoảng nợ công, hay buộc phải góp sức vực dậy hệ thống ngân hàng châu Âu suy yếu. Cùng lúc, cuộc khủng hoảng di cư đã khiến nhiều người Anh lo ngại. Dưới thời hai người tiền nhiệm của ông David Cameron là Thủ tướng Thatcher và Edward Heath, nước Anh dễ dàng kiểm soát dòng người di cư. Khi cuộc khủng hoảng di cư châu Âu bùng nổ như một trong những mối lo lớn nhất của thập kỷ, London không nằm ngoài những quốc gia châu Âu, cũng cảm thấy như “cá nằm trên thớt”. Kỳ thực, kinh tế Anh vẫn đang trong giai đoạn “khỏe mạnh” và những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng di cư vẫn chưa rõ ràng. Điều khiến người Anh kiên quyết như vậy vì niềm tin với EU đã cạn. Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 là một minh chứng rõ ràng cho thấy những yếu kém nghiêm trọng và sự bất lực của các lãnh đạo EU. Họ thất bại trong việc thuyết phục các quốc gia thành viên và chứng minh năng lực giải quyết những vấn đề lớn đang tấn công Lục địa già như khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng di cư... Kết quả của cuộc trưng cầu này dù thế nào thì có một điều hiển nhiên là: Thời kỳ niềm tin rạn vỡ trong EU đã đến hồi cần kết thúc.