Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài toán khó giải

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Nghị quyết 05/2012/NQ được HĐND TP Hà Nội thông qua, đến năm 2015, mỗi cấp học có 50 - 55% trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cấp trung học phổ thông (THPT) vẫn ở vị trí cuối bảng về tỷ lệ trường đạt chuẩn (22,2%) so với các cấp học khác.

Phòng làm việc "3 trong 1"

Kết quả kiểm điểm tiến độ xây dựng trường chuẩn quý I/2013 của ngành GD&ĐT Hà Nội cho thấy, cơ sở vật chất vẫn là bài toán nan giải. Đây cũng là vấn đề từng được bàn thảo nhiều nhất trong lộ trình xây dựng trường chuẩn ngay từ thời điểm khởi động. Song nếu như ở giai đoạn trước, chỉ những trường khu vực nội thành gặp khó với việc mở rộng diện tích, thì nay, cả các trường ở ngoại thành cũng đau đầu tìm lời giải cho bài toán này.

Điển hình là trường THPT Yên Viên (huyện Gia Lâm), như bà Nguyễn Thị Hiển, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2006, Yên Viên nằm trong danh sách 14 trường đã được đưa vào danh mục đầu tư, nâng cấp để đạt chuẩn. Ban Giám hiệu nhà trường đã cố gắng để chất lượng dạy và học cơ bản đạt yêu cầu, song đến nay trường vẫn không thể đạt đủ các tiêu chí theo chuẩn vì cơ sở vật chất chật hẹp. "Hiện trường gặp rất nhiều khó khăn, phòng giáo viên và làm việc toàn "3 trong 1". Ban Giám hiệu, thầy cô phải dồn phòng chức năng, nhường phòng làm việc cho HS học" - bà Hiển chia sẻ. Tại trường THPT Yên Viên, Phòng bộ môn vừa là Phòng đồ dùng, vừa là Phòng nghỉ trưa cho giáo viên; Phòng Hiệu trưởng chỉ có 12m2 vừa là nơi làm việc, vừa để tiếp khách, kiêm luôn chức năng của Phòng họp hội đồng; 3 Phó Hiệu trưởng phải chung một phòng làm việc từ chục năm nay…

Bài toán khó giải - Ảnh 1

Do hạn chế về diện tích và không gian, nhiều trường THPT tại khu vực nội thành Hà Nội vẫn rất khó xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Trong ảnh: Một góc trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội.     Ảnh: Đức Giang

Hệ trung cấp chuyên nghiệp cần có chuẩn

Tại hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội mới đây, Ban giám hiệu các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) cũng bày tỏ mong muốn có các tiêu chí chuẩn riêng, bởi đây là 2 cấp học còn nhiều khó khăn, chưa được đầu tư thỏa đáng. Ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) cho rằng: Các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, vì vậy, việc ban hành các tiêu chí trường TCCN chuẩn là cần thiết, tạo cơ sở cho đầu tư về mọi mặt, thúc đẩy hệ thống trường TCCN phát triển.

Còn các trung tâm GDTX trên địa bàn TP hiện nay, ngoài 15.000 HS hệ bổ túc đang theo học, còn có gần 7.000 HS theo học chương trình giáo dục THPT như đối với các trường THPT. Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ xóa mù, duy trì kết quả phổ cập, mà các trung tâm GDTX còn giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo môi trường học tập thường xuyên cho người dân, làm nền tảng cho việc xây dựng xã hội học tập. Thế nên, việc hướng đến các tiêu chí của trường chuẩn đối với ngành học GDTX sẽ đem lại nhiều lợi ích cho HS trong học tập, tạo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ môi trường và điều kiện giáo dục của nhóm HS vốn đã nhiều thiệt thòi này.

Theo phân tích của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, mặc dù các quận, huyện, phòng giáo dục đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn nhưng chưa có những hoạt động tích cực. Do đó, để việc "xây chuẩn" cho các trường THPT có hiệu quả cần "làm mới" hoạt động của ban chỉ đạo. Và bản thân các đơn vị cũng cần xác định 5 rõ: Rõ quan điểm, mục tiêu; Rõ lộ trình, thời gian triển khai; Rõ giải pháp thực hiện; Rõ trách nhiệm; Rõ kinh phí đầu tư. Sở sẽ thực hiện nhiều bước đi cụ thể hơn để nâng tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn trong những năm tới.