Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Bài toán khó" sau vụ trẻ bị bạo hành tại nhà trẻ tư thục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nhiều vụ trẻ tử vong và bị bạo hành xảy ra tại các nhà trẻ tự phát trên địa bàn, các ngành chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh, quản lý các nhà trẻ.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều vấn đề bất cập, khó khăn không dễ giải quyết; trong đó, việc đóng cửa các nhà trẻ không phép chưa phải là giải pháp tốt nhất và rất khó thực hiện, do thiếu các điểm trường đủ tiêu chuẩn cho trẻ nhỏ.

Không có trường, nhóm lớp cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có 870 trường mầm non được cấp phép với trên 309.000 trẻ; trong đó, số trường ngoài công lập là 451 trường (chiếm 52,8%), chăm sóc cho trên 148.400 trẻ (chiếm 47,9%). Tuy nhiên, nếu tính các lớp, nhóm trẻ chưa được cấp phép, con số trên còn lớn hơn rất nhiều.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nêu vấn đề hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 65.000 trẻ không có hộ khẩu, thuộc diện "KT3" nhưng vẫn đang theo học tại các nhà trẻ của thành phố. Việc đáp ứng nhu cầu trông giữ trẻ sau khi mẹ đủ thời gian nghỉ thai sản (6 tháng) hiện nay, tại thành phố là “bất lực.” Các trường chỉ nhận giữ trẻ ít nhất từ 12 tháng tuổi trở lên nhưng cũng không nhiều. Hầu hết các điểm trường chỉ nhận giữ trẻ trên 18 tháng tuổi.

Vì không có trường, lớp cho trẻ nhỏ nên cha mẹ các em đành phải tìm những điểm giữ trẻ không phép, chăm giữ trẻ số lượng nhỏ để gửi.

Bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 4 cho rằng phần lớn các nhóm trẻ tự phát, không phép thường linh động về thời gian và kể cả học phí, đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động. Họ nhận giữ trẻ theo ca làm việc của cha mẹ, đồng thời có thể cho nợ học phí, tới tháng nhận lương mới trả. Ngoài ra, trên địa bàn quận còn có một số điểm giữ trẻ tính học phí theo ngày, rất thuận tiện cho những người buôn bán nhỏ lẻ. Đây là những điều mà trường công lập, tư thục không thể làm được.

 
Vận động thể chất cho trẻ tại nhà trẻ. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)
Vận động thể chất cho trẻ tại nhà trẻ. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)
Đối với những nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, việc đáp ứng chỗ trông giữ trẻ “đạt chuẩn” cho công nhân lao động là không thể. Đơn cử như quận Bình Tân, hiện có tới 95 nhóm trẻ chỉ giữ từ 3-5 em, phần lớn là lứa tuổi nhỏ.

Nguyên nhân chủ yếu là do công nhân phải làm việc theo ca, không thể gửi vào các trường công lập, tư thục, vốn chỉ giữ trẻ theo giờ hành chính. Ngoài ra, các điểm giữ trẻ tự phát thường có học phí thấp, phù hợp hơn với điều kiện của các gia đình.

Giải quyết nhà trẻ không phép cần phù hợp với thực tế

Sau khi hàng loạt vụ việc xảy ra tại các điểm trông giữ trẻ không phép, các quận, huyện và ngành chức năng đã cho rà soát lại hoạt động của tất cả các nhà trẻ trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý các điểm không phép không hề đơn giản.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh-Xã hội cho rằng, dựa vào các quy định thì việc chấm dứt hoạt động của các nhà trẻ không phép không khó, nhưng giải quyết những trẻ em đang được chăm sóc ở đây như thế nào mới quan trọng. Các quận, huyện không thể đồng loạt đóng cửa các điểm giữ trẻ này được mà phải xem xét những cơ sở nào đủ chuẩn thì cấp phép để quản lý, còn điểm nào không đủ điều kiện thì chấm dứt hoạt động. Nhưng về lâu dài, cần phải dành quỹ đất để xây dựng nhà trẻ ở các khu dân cư.

Quận Thủ Đức, nơi xảy ra một vụ trẻ tử vong và vụ trẻ bị hành hạ dã man, hiện có 131 điểm giữ trẻ không phép với 1.288 trẻ.

Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Thủ Đức thừa nhận do nhu cầu xã hội nên mới phát sinh các nhóm giữ trẻ tự phát. Khi xảy ra sự việc, quận cũng chưa thể xử lý kiên quyết các nhà trẻ không phép được. Nếu đóng cửa những điểm này thì phải đảm bảo chỗ học cho hơn 1.200 trẻ.

Hiện quận Thủ Đức đã có phương án bố trí số trẻ này vào các trường công lập, tư thục có phép, đồng thời rà soát các nhóm lớp nào đủ tiêu chuẩn thì cấp phép. Tuy nhiên, trước mắt áp lực sẽ đè nặng lên các trường công lập, tư thục vì số lượng trẻ các lớp sẽ tăng cao.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các nhà trẻ cần phải xem xét lại. Hiện một số nơi xây dựng nhà trẻ với cơ sở vật chất khá tốt nhưng không thu hút được các phụ huynh đến gửi trẻ, do không phù hợp với điều kiện gia đình (trường không ở nơi khu dân cư, bất tiện về di chuyển…).

Theo ông Hứa Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 2, cơ quan chức năng cần phải “khoanh vùng” những nơi có nhóm trẻ phát sinh nhiều để quản lý như khu vực có đông công nhân, khu vực có nhà máy, xí nghiệp, phòng trọ tập trung nhiều, từ đó đề ra phương án đầu tư, xây dựng và quản lý các nhà trẻ, nhóm lớp được tốt hơn.

Hiện nay, ngoài nhà trẻ tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), dựa trên hình thức liên kết với nhà trẻ Đồng Xanh, các khu công nghiệp-khu chế xuất tại thành phố không có nhà trẻ phục vụ nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Nhiều nơi đã có quỹ đất để xây dựng nhà trẻ phục vụ con em công nhân, nhưng nguồn kinh phí để xây dựng lại chưa giải quyết được.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp tại quận Bình Tân, Tân Phú có kế hoạch xây dựng nhà trẻ nhưng lại “vướng” quy định. Theo lãnh đạo quận Bình Tân, quy định doanh nghiệp chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất, đã gây khó khăn cho họ khi muốn xây dựng nhà trẻ phục vụ công nhân. Điều này buộc doanh nghiệp phải liên kết cho thuê đất với một đơn vị bên ngoài để thực hiện. Do đó, muốn xã hội hóa việc xây dựng các điểm trường cho trẻ, các ngành chức năng phải phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.