Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài toán khó

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nào cũng vậy, cân đối ngân sách luôn là bài toán khó.

 Năm nay, tình hình càng trở nên căng thẳng hơn, nhiều tác động mới và khó khăn khiến GDP khó đạt kế hoạch: Sự cố môi trường, thiên tai, ngập mặn, lũ lụt xảy ra khắp nơi trên cả nước,… Chưa kể thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu sụt giảm khiến bài toán ngân sách càng trở nên nan giải hơn, đòi hỏi Chính phủ phải có những quyết sách thận trọng.

 

 Năm 2016, Chính phủ đặt kế hoạch vay 452.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 20 tỷ USD. Đến hết 30/9, tính chung cả vay nợ nước ngoài và huy động qua trái phiếu (quy đổi ra USD), Chính phủ đã vay khoảng 16 tỷ USD. Song cái khó là khi Chính phủ tăng vay thì nợ công lại tăng lên. Số ước bội chi ngân sách năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, bằng với mức mà Quốc hội đề ra. Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98% GDP (đã sát ngưỡng 65% GDP); Dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP (vượt 3,1% mức cho phép); Dư nợ vay nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP. Đây là thách thức không nhỏ.

Một đất nước muốn có tăng trưởng, phát triển thì phải có nguồn tiền đầu tư. Với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nguồn vốn đó lại càng quan trọng. Chính phủ nhiệm kỳ mới đã rất quyết liệt thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên với việc khoán xe công, khơi thông nguồn lực tài sản công (thoái vốn Nhà nước, cho cổ phần hóa DN Nhà nước)... để có thêm tiền cho đầu tư phát triển, song dường như vẫn chưa đủ với nhu cầu chi đầu tư phát triển đang rất lớn.

Xét theo cơ cấu chi tiêu, tỷ lệ chi thường xuyên đã lên đến 80% tổng chi ngân sách, phần còn lại chưa tới 20% dành cho đầu tư phát triển, chưa kể chi trả nợ. Để hướng tới cân đối được ngân sách, phải cơ cấu lại nguồn chi nên không chỉ giải bài toán tiết kiệm, tăng thu và mở rộng nguồn lực từ bên ngoài mà còn giải bài toán phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Đi vay thì phải vay đồng tiền đẻ ra được tiền. Đi vay đã khó nhưng nếu sử dụng lãng phí, không hiệu quả, không chỉ làm lãng phí nguồn lực mà còn tăng gánh nặng trả nợ là thực tế cần phải ngăn chặn ngay. Do đó bài toán hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Đầu tư vào những công trình, dự án cho ra nguồn thu chứ không phải là đầu tư dải mành mành, những công trình tiền tỷ bỏ hoang.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, sẽ khai mạc trong ít ngày tới, Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ so với GDP từ mức 50% như hiện nay lên mức trần 55% trong giai đoạn 2016 - 2020. Vấn đề này sẽ được Quốc hội bàn thảo kỹ, cho ý kiến tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, trong bối cảnh ngân sách chưa thật sự vững chắc thì cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như hiện hành và thắt chặt quản lý, sử dụng vốn vay. Vay cho đầu tư phát triển phải có hàng rào pháp lý chặt chẽ để tránh lãng phí, tránh áp lực trả nợ từ cơ quan T.Ư. Điều đó thể hiện, kỷ luật ngân sách phải được tuân thủ.