Trong đó, nổi bật là quá trình hoàn thành tốt nhiệm vụ lấy ý kiến của nhân dân đóng góp, xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhằm ngày càng hoàn thiện hệ thống VBQPPL của TP. Đặc biệt, các VBQPPL thuộc thẩm quyền của TP nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô.
Dù với một khối lượng công việc lớn, thời gian đòi hỏi gấp nhưng đã được xây dựng đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng thời gian luật có hiệu lực. Bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP cho biết, xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của Luật Thủ đô nói riêng, công tác tuyên truyền PBGDPL nói chung, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cùng vào cuộc trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối với Luật Thủ đô ngay từ khi được thông qua. Bên cạnh đội ngũ cán bộ chuyên môn của Sở Tư pháp còn có một lực lượng tham gia rất hiệu quả là các cơ quan truyền thông đại chúng như Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, báo Hànộimới, báo Kinh tế & Đô thị và các báo, tạp chí, bản tin của Thủ đô đã tích cực đưa tin, viết bài trên các chuyên trang, chuyên mục pháp luật để tuyên truyền sâu rộng về pháp luật và Luật Thủ đô. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã còn tổ chức tuyên truyền, PBGDPL và Luật Thủ đô cho người dân tại địa phương thông qua nhiều hình thức: Tổ chức hội nghị, phát hành tài liệu, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, loa đài… Tất cả những hoạt động này đã góp phần tuyên truyền PBGDPL và Luật Thủ đô đến với mọi tầng lớp nhân dân được nhanh chóng, hiệu quả hơn. Năm 2013, ngoài việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ như đã nêu, trên các lĩnh vực hoạt động khác, công tác tư pháp của TP cũng đều đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận. Công tác PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu và bám sát hơn nhu cầu của xã hội. Công tác hành chính tư pháp đã được thực hiện nền nếp, giải quyết khối lượng lớn yêu cầu của người dân trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch và lý lịch tư pháp... Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả dần đi vào nền nếp. Hệ thống tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của ngành tư pháp tiếp tục được kiện toàn và mở rộng góp phần cùng các cấp chính quyền TP phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo các chương trình hành động của TP. Qua những hoạt động và kết quả trên cho thấy, vai trò tham mưu, tư vấn pháp lý của ngành tư pháp đối với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng chủ động hơn. Sự phối hợp triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương ngày một chặt chẽ, hiệu quả hơn. Qua đó, công tác Tư pháp đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng ngày càng góp phần tích cực, hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo điều hành chung của TP đối với công cuộc xây dựng và phát triển mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2014 công tác tư pháp của TP tiếp tục cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ trọng tâm theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2010); Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính Thủ đô giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, có chín nhiệm vụ cụ thể từ công tác chỉ đạo điều hành, quản lý Nhà nước về xây dựng VBQPPL và thi hành pháp luật với tất cả các hoạt động liên quan trong hoạt động tư pháp.