Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bàn cách nâng cấp hệ thống đường bộ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại Hà Nội đang diễn ra Hội thảo Viet Transport quy tụ 250 chuyên gia, thảo luận các vấn đề đẩy mạnh sự phát triển hệ thống giao thông ở Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của ngành đường bộ.

KTĐT - Tại Hà Nội đang diễn ra Hội thảo Viet Transport quy tụ 250 chuyên gia, thảo luận các vấn đề đẩy mạnh sự phát triển hệ thống giao thông ở Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của ngành đường bộ.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, trong những năm qua, ngành giao thông vận tải đã được Chính phủ quan tâm đầu tư, đặc biệt hệ thống đường bộ đã được phát triển nhanh chóng. Đường bộ Việt Nam hiện có tổng chiều dài trên 256.684km, trong đó quốc lộ 17.228km, đường tỉnh 23.520km, đường huyện 49.823km, đường đô thị 8.492km, đường chuyên dùng 6.434km và trên 150.187km đường xã.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường chưa bảo đảm cho việc đi lại an toàn, êm thuận; sụt trượt còn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông; số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều; nhiều tuyến đường giao thông miền núi chưa đi lại được bốn mùa. Trong khi chất lượng đường bộ chưa tốt thì các phương tiện giao thông cá nhân phát triển với số lượng lớn, khó kiểm soát, chiếm phần chủ đạo trong việc trung chuyển ở tất cả các đô thị Việt Nam hiện nay.

Giao thông yếu kém góp phần làm cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong những năm qua luôn bị đánh giá là chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, gây trở ngại đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cũng cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong lĩnh vực này thời gian qua chưa đạt kết quả như mong muốn. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện một cuộc điều tra trên 254 doanh nghiệp, kết quả cho thấy, 87,8% DN nước ngoài và 83% DN trong nước đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng là kém và rất kém.

Tích cực huy động nguồn vốn đầu tư

Để khắc phục tình trạng lòng đường nhỏ hẹp, các chuyên gia giao thông cho rằng, Việt Nam cần chú ý ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. GS. Lâm Quang Cường, Đại học Xây dựng cho rằng, chúng ta nên tổ chức các chuyến xe buýt mini phục vụ đi lại ở khu trung tâm đô thị (thời gian chờ dưới 5 phút/chuyến), các chuyến xe buýt tốc hành ở khu vực ngoại thành và có chỗ gửi xe đạp tại một số điểm đỗ hành khách ở những khu vực ven đô.

Ông Lý Huy Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông Việt Nam cũng cho biết, quỹ đất dành cho giao thông đường bộ ở Việt Nam rất nhỏ, chiếm từ 6 - 15%, trong khi các nước chiếm từ 20 - 30%. Vì vậy, trong khi xây dựng các tuyến đường luôn phải có quỹ đất dự trữ để dễ dàng mở rộng đường phố trong tương lai. Phát triển hệ thống giao thông đòi hỏi vốn lớn trong khi ngân sách Nhà nước và địa phương còn nhiều hạn chế, Việt Nam cần huy động vốn từ nhiều nguồn, đặc biệt coi trọng nguồn vốn ODA và vốn của khu vực tư nhân.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam nhận xét, nhiều dự án hạ tầng quan trọng của Việt Nam thi công rất chậm trễ. Vì vậy, Chính phủ nên để khối tư nhân tham gia nhằm dẩy nhanh việc hoàn thiện các dự án quan trọng trong quá trình thực hiện hoặc đang bị treo. Đại diện Nhóm Cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng cho rằng, hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân (PPP) là một cơ chế hữu hiệu để đạt được hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, để tư nhân tích cực đầu tư vào lĩnh vực này, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về PPP trong từng tiểu ngành cơ sở hạ tầng cũng như các chính sách phải sát với thực tế. Các quy hoạch tổng thể là cần thiết và không nên thay đổi thường xuyên vì sẽ không tạo được sự an tâm cho đầu tư tư nhân. Chính phủ nên cho phép tư nhân tham gia vào quá trình xây dựng các quy hoạch tổng thể ngay từ giai đoạn đầu để tăng tính thực tiễn cho quy trình xây dựng chính sách. Và điều quan trọng nữa là dự án phải được xác định với sự phân định rủi ro và lợi ích  giữa các bên liên quan.