Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản chất thực sự cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến sự bùng phát ở vùng Nagorny Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia tuy không hẳn vô cớ nhưng có phần bất ngờ về thời điểm.

Sau khi Liên Xô không còn tồn tại, mối bất hòa giữa hai nước này về vùng lãnh thổ nói trên leo thang gay cấn thành cuộc chiến tranh thực thụ, nhưng rồi sau đó có thỏa thuận ngừng bắn.
Hiện trường đụng độ đổ máu giữa Azerbaijan và lực lượng Armenia ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP.
Hiện trường đụng độ đổ máu giữa Azerbaijan và lực lượng Armenia ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP.
Đụng độ vũ trang từ đó vẫn xảy ra nhưng chưa khi nào dữ dội như vừa rồi. Kẻ ở ngoài cuộc thật khó phân định rạch ròi bên nào là thủ phạm khiến giao tranh vũ trang lại bùng phát đến mức độ như thế. Chỉ có bản chất cuộc xung khắc này là vẫn như trước. Azerbaijan là quốc gia Hồi giáo trong khi đa phần dân chúng ở Armenia theo đạo Thiên chúa. Dân ở vùng Nagorny Karabakh cũng theo đạo Thiên chúa và gắn bó với Armenia nhiều hơn. Vì vậy, vùng này mới chủ định ly khai khỏi Azerbaijan. Sau cuộc chiến tranh hồi đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hay nói cho đúng hơn là kể từ khi có thỏa thuận ngừng bắn năm 1994 đến nay, Armenia kiểm soát trên thực tế vùng này. Ở đó có căn cứ quân sự của Nga và Nga hậu thuẫn Armenia cả về chính trị lẫn quân sự, trong khi Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Để ủng hộ Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa hoàn toàn tuyến biên giới chung với Armenia, cản trở không nhỏ những mối quan hệ thương mại và kinh tế của Armenia với bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ cũng còn lợi ích riêng trong việc ủng hộ Azerbaijan đối phó với Armenia. Hồi đầu thế kỷ XX, quân đội của Đế chế Osman mà Thổ Nhĩ Kỳ hiện kế thừa về phương diện pháp lý quốc tế đã tàn sát người Armenia. Thế giới bên ngoài coi hành động này của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là diệt chủng, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi đó chỉ là chuyện trong những chuyện vốn thường xảy ra khi có chiến tranh.

Azerbaijan và Armenia xung khắc nhau vì lãnh thổ, tôn giáo và sắc tộc. Cuộc xung khắc này có thêm tính chất mới và tầm vóc mới cũng như ý nghĩa chính trị khu vực và thế giới mới, bởi ở phía sau là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Hai nước này hiện lại đang rất căng thẳng trong quan hệ song phương, mức độ đối địch tiếp tục leo thang chứ không có dấu hiệu sớm sẽ giảm bớt. Trong khi tất cả các đối tác bên ngoài đều kêu gọi Azerbaijan và Armenia kiềm chế và tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn thì Thổ Nhĩ Kỳ công khai đứng hẳn về phía Azerbaijan và tuyên bố ủng hộ Azerbaijan đến cùng bằng mọi giá. Còn Nga cũng đã nhanh chóng lên tiếng đòi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay sự can thiệp vào công chuyện nội bộ của nước khác. Mối bất hòa hiện tại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khiến thiên hạ không thể không nghĩ rằng chiến sự không tái bùng phát một cách ngẫu nhiên ở vùng Nagorny Karabakh.

Trong xung khắc, ngoài đối địch như thế làm cho vấn đề Nagorny Karabakh trở nên thêm phức tạp, nhạy cảm và nan giải. Chỉ giữa hai nước Azerbaijan và Armenia không thôi, bản thân nó cũng đã rất khó được giải quyết. Giờ thêm cả sự đối địch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thì triển vọng giải pháp cho vấn đề này càng thêm mong manh và xa vời.