Đặc biệt là vào buổi chiều hàng ngày, khi công nhân từ khu công nghiệp Yên Nghĩa và một số nhà máy, xí nghiệp đóng ven Quốc lộ 6 tan tầm, cũng là lúc người dân các xã như Ngọc Hòa, Đông Phương Yên, Đông Sơn, đem rau quả, thực phẩm, thức ăn ra kinh doanh tấp nập. Lúc này, hành lang Quốc lộ 6 biến thành một cái chợ cóc kéo dài hàng cây số.
Người bán chỉ cần tấm vải mưa trải ra, tức khắc biến thành “quầy hàng” với đủ thứ thịt, cá, mắm muối. Người mua cũng không cần xuống xe, vẫn có thể mua bán, giao dịch một cách thoải mái, vô tư.
Phải thừa nhận một điều, tính tiện lợi của những chợ cóc này rất cao, chỉ cần tranh thủ chút thời gian, mỗi người có thể mua đủ thực phẩm cho một bữa cơm đầm ấm. Nhưng đằng sau đó là rất nhiều vấn đề cần bàn với những chợ cóc này
. Thứ nhất, rau quả, thực thẩm chế biến sẵn, được bày bán ven đường đều là những thứ rất… mù mờ về nguồn gốc, xuất xứ. Còn thịt các loại, đa phần là những thứ đã… chuyển màu, bởi là thứ hàng ế từ những phiên chợ sáng. Với những loại thực phẩm như vậy, ai dám cam đoan là đạt tiêu chuẩn vệ sinh?
Hơn nữa, các mặt hàng được bày bán hai bên đường, không hề có phương tiện che chắn bụi đất, ruồi, muỗi như ong, như ve, tạo cảm giác rất mất vệ sinh, khiến nhiều người không khỏi lo ngại về bệnh tật phát sinh từ miếng ăn. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là cảnh hàng trăm người (bất chấp xe lớn, xe bé lao vù vù bên hông) vẫn điềm nhiên mua bán trên vỉa hè, dưới lòng đường mà cảm thấy lạnh xương sống bởi tiềm ẩn tai nạn giao thông. Không thể nói trước điều gì, bởi chỉ cần một vài chiếc xe mất phanh, lạc tay lái, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Bởi mới đây thôi, cũng chỉ vì họp chợ tạm (ven Quốc lộ 14. xã Đắk Rla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đăk Nông), một chiếc xe tải mất lái, đã gây ra tai nạn kinh hoàng, khiến 5 người chết, 5 người bị thương. Bài học đau thương này cũng là lời cảnh báo đến người dân vẫn hàng ngày tụ tập mua bán ven Quốc lộ 6.