Bàn giải pháp giúp nông dân tiêu thụ nông sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/4, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

Ban cố vấn giải đáp câu hỏi của nông dân tại diễn đàn
Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Trần Văn Khởi cho biết, liên kết theo chuỗi giá trị là giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng “được mùa, mất giá”, thúc đẩy sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Liên kết mang lại hiệu quả rõ nét đối với nông dân, DN tham gia liên kết. Khi liên kết được thiết lập sẽ tạo ra cầu nối hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ rủi ro giữa nông dân và DN chế biến, tiêu thụ nông sản.
Tính đến hết năm 2018, cả nước có trên 1.028 chuỗi nông sản an toàn (với 1.407 sản phẩm và 3.162 điểm bán) được xác nhận; 7.015 xã (chiếm 78,5% tổng số xã) có mô hình liên kết hiệu quả trong nông nghiệp, đạt tiêu chí số 13 về xã nông thôn mới.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, hiện trên địa bàn TP đã và đang duy trì và phát triển 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Bên cạnh đó, TP thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 19 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.
Chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi Ba Vì đang phát huy hiệu quả.
Chia sẻ về giải pháp tháo gỡ đầu ra cho nông sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Vũ Thị Hậu cho hay, sản phẩm nông nghiệp hiện nay có thể tiêu thụ qua 2 kênh.
Thứ nhất, đưa nông sản vào sàn nông sản tại địa chỉ 489 Hoàng Quốc Việt, tại đây sàn sẽ cập nhật thông tin sản phẩm và thông tin của nhà sản xuất, đặc biệt là nhu cầu mong muốn của nông dân, nhà sản xuất muốn hướng tới đối tượng khách hàng, thị trường nào.
Thứ hai, nông dân, hợp tác xã cần liên kết với DN đưa vào các kênh trường ăn và bếp ăn tập thể. Do đó, sản phẩm sản xuất phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo giá thành sản xuất thấp nhất, bởi giá thành sản xuất thấp thì giá sản phẩm bán ra thị trường sẽ cao.
Tại diễn đàn, ban chủ tọa và cố vấn đã thẳng thắn trả lời, giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của nông dân, đại diện hợp tác xã về các vấn đề về liên kết tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho nông sản, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất…
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương khẳng định, nhằm hỗ trợ tối đa cho nông dân phát triển sản xuất, thời gian qua, thông qua nguồn vốn Quỹ Khuyến nông TP, trung tâm đã giải ngân kịp thời cho các hộ nông dân, chủ trang trại có nhu cầu vay vốn.
Hiện, mức vay vốn Quỹ Khuyến nông tối đa là 500 triệu đồng/hộ/phương án sản xuất, đây là quy chế quản lý Quỹ Khuyến nông TP từ năm 2007 nên bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Do đó, Trung tâm đã tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất với UBND TP Hà Nội để sớm thay đổi quy chế quản lý Quỹ khuyến nông, trong đó có đề xuất nâng mức vay và thời hạn vay. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần