Không có trong danh mục giá hiện hành
Thời gian qua, nhiều trường hợp cẩu kéo xe vi phạm trật tự, ATGT với mức giá quá đắt đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, lực lượng chức năng “thông đồng, móc ngoặc” với DN kinh doanh xe cẩu kéo để chia chác tiền phí dịch vụ. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên thực tế, danh mục giá xe cứu hộ cẩu kéo xe vi phạm không có trong quy định về quản lý tại Luật Giá năm 2012 cũng như các văn bản hiện hành. Bên cạnh đó, TP có Quyết định số 782/QĐ - UBND năm 2007 quy định về mức thu đối với xe cứu hộ cẩu kéo xe vi phạm trật tự, ATGT. Nhưng Quyết định này chỉ áp dụng đối với lực lượng xe cứu hộ do TP trang bị cho lực lượng chức năng, hay nói cách khác là xe cứu hộ “công”.
Thực tế, hiện cả TP Hà Nội chỉ có 28 xe cứu hộ, cẩu kéo được trang bị cho các đơn vị chức năng (CSGT cố 23 xe, Thanh tra GTVT có 5 xe). Hầu hết các xe này đã quá cũ, trang bị từ năm 2007, tải trọng nhỏ, không đáp ứng yêu cầu cẩu kéo phương tiện. Do đó, khi xử lý vi phạm, lực lượng chức năng phải gọi xe cứu hộ, cẩu kéo bên ngoài. Giá dịch vụ kéo xe thường do các DN tự thoả thuận với người có vi phạm. Nhiều trường hợp lấy giá quá cao khiến người dân bức xúc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính bất cập từ việc không có quy định cụ thể về mức giá cẩu kéo xe vi phạm nên nhiều DN cố tình thu cao ngất để trục lợi. Lực lượng chức năng cũng rất khó can thiệp trong trường hợp này vì đó là thoả thuận dân sự giữa người có phương tiện với đơn vị cẩu kéo. Nếu không bắt các DN kinh doanh dịch vụ cẩu kéo xe kê khai giá, thống nhất mức giá cho loại hình này, người dân sẽ còn phải chịu thiệt, trong khi lực lượng chức năng sẽ khó tránh khỏi mang tiếng “thông đồng, móc ngoặc”.
Lợi ích cho cả ba bên
Xuất phát từ thực tế đó, liên Sở GTVT – Tài chính Hà Nội đã có Tờ trình lên UBND TP, đề xuất phương án quản lý giá đối với xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm trật tự, ATGT trên địa bàn TP. Theo đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ cẩu kéo xe trên địa bàn TP Hà Nội phải thực hiện kê khai giá cước như các loại hình vận tải khác theo quy định.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, mục đích của việc kê khai là để cơ quan quản lý Nhà nước quản lý về giá dịch vụ cẩu kéo. Qua đó công khai, minh bạch mức giá dịch vụ cẩu kéo xe cho người dân được biết và giám sát. Đồng thời việc kê khai cũng sẽ buộc các DN kinh doanh dịch vụ cẩu kéo phải tuân thủ đúng mức giá đã cam kết với cơ quan quản lý Nhà nước và người dân.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá cao chủ trương yêu cầu các DN kinh doanh dịch vụ cẩu kéo kê khai giá cước vận tải. Việc kê khai có lợi cho cả cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng, người dân và DN, tăng tính cạnh tranh trên thị trường xe cẩu kéo, giúp giảm giá dịch vụ, có lợi cho người dân.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã thống nhất phương án nêu trên, giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện, đôn đốc các DN kinh doanh dịch vụ cẩu kéo xe kê khai giá. Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp nhận kê khai và Sở Tài chính tổ chức kiểm tra việc chấp hành của các DN, xử lý nghiêm vi phạm. Sở GTVT cũng có trách nhiệm tham mưu cho UBND TP Hà Nội có các văn bản chỉ đạo theo đúng quy định của pháp luật.