Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán kết khu vực phía Bắc cuộc thi Tiếng hát Công nhân: 46 thí sinh làm nên những điều bất ngờ

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua (30/8), tại Hà Nội, 46 thí sinh tham dự vòng thi bán kết khu vực phía Bắc đã mang đến cuộc thi "Tiếng hát Công nhân" mùa thứ hai nhiều bất ngờ ngoài kỳ vọng, bởi dù là những giọng hát không chuyên nhưng các thí sinh đã khoe tài với giọng đẹp, truyền cảm và giàu nội lực.

Cuộc thi do báo Văn hóa phối hợp với các đơn vị tổ chức đã thu hút 1.030 thí sinh đăng ký và gửi video giọng hát để tham gia tranh tài từ đầu tháng 6/2020, trải qua các vòng thi sơ loại, vòng loại diễn ra dưới hình thức online, cuộc thi đã lựa chọn được 90 thí sinh xuất sắc tham gia vào vòng bán kết tại hai miền Nam, Bắc. Và hôm 30/8, là cuộc so tài của 46 thí sinh tại vòng bán kết khu vực phía bắc.

''Tiếng hát Công nhân'' mùa thứ 2 không chỉ mở rộng về quy mô mà, chuyên nghiệp hơn trong mọi khâu tổ chức

Cũng theo Tổng biên tập báo Văn hóa - Chu Thị Thu Hằng: Ở mùa thứ hai, cuộc thi Tiếng hát Công nhân không chỉ mở rộng về quy mô mà còn chau chuốt, chuyên nghiệp hơn trong mọi khâu tổ chức, nhằm tạo nên một sân chơi thực sự hấp dẫn dành cho đối tượng là những công nhân lao động.

“Nhiều tiếng hát bước ra khỏi cuộc thi lần đầu tiên năm 2017 đã đã tiếp tục theo đuổi, chinh phục con đường âm nhạc chuyên nghiệp, được công chúng đón nhận. Hy vọng ở mùa thi thứ hai, Tiếng hát Công nhân sẽ tìm kiếm được những giọng ca đẹp, tạo nền tảng để các thí sinh đam mê ca hát có điều kiện tiếp tục theo đuổi ước mơ…” - bà Chu Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

NSND Đỗ Quốc Hưng - Trưởng BGK chia sẻ: “Ở mùa một, Tiếng hát Công nhân đã gây tiếng vang lớn, nhiều bạn công nhân từ các công trường, nhà máy, xí nghiệp đã có cơ hội theo đuổi ước mơ ca hát, đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Ấn tượng đặc biệt của tôi ở cuộc thi này không dừng lại ở những kỹ thuật thanh nhạc hay sự chau chuốt, điêu luyện mà chính là cảm xúc của người hát. Họ đã hát bằng cả trái tim mình, bằng sự mộc mạc chân thành để chinh phục người nghe”.

Nguyễn Thị Phương Anh, giọng ca sinh năm 1989 đến từ thị xã Sơn Tây, Hà Nội và cô con gái Vũ Quỳnh Chi, 6 tuổi

Nguyễn Thị Phương Anh, giọng ca sinh năm 1989 đến từ Thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã đến cuộc thi với cô con gái Vũ Quỳnh Chi, 6 tuổi. Hai mẹ con háo hức và cũng không kém phần hồi hộp. “Con gái yêu thích âm nhạc nên tôi đưa cháu theo, để cháu được nhìn thấy một hình ảnh hoàn toàn khác của mẹ mình trên sân khấu. ''Tiếng hát Công nhân'' thực sự là một sân chơi bổ ích, để chúng tôi có cơ hội thỏa mãn niềm đam mê ca hát của mình”, Phương Anh bày tỏ.

Sinh năm 1991, thí sinh Đinh Kiên Cường đến từ Sơn La, giọng ca được BGK đánh giá cao, bộc bạch: “Cuộc thi đã mang đến cơ hội để tôi được thể hiện khả năng ca hát của mình. Đứng trên sân khấu, tôi đã cảm thấy rất run, nhưng ngọn lửa đam mê đã giúp tôi thể hiện hết mình. Với ca khúc ''Người là niềm tin tất thắng'', tôi đã được BGK động viên rất nhiều và cảm thấy vui hơn, tự tin hơn. Trở thành ca sĩ là ước mơ từ lâu của tôi, và nếu có cơ hội, tôi  sẽ tiếp tục theo đuổi con đường để chinh phục ước mơ đó”.

Giám khảo nữ duy nhất, ca sĩ Lan Anh cũng cho rằng, cuộc thi “Tiếng hát Công nhân” ngay từ vòng bán kết đã khai phá được nhiều nhân tố bất ngờ. “Nhiều thí sinh có giọng hát tốt đến nỗi tôi nghi ngờ không biết có phải các bạn đã được đào tạo bài bản hay không. Thậm chí, nhiều thí sinh có giọng hát được BGK đánh giá ngang với chuyên nghiệp. Sẽ không bất ngờ nếu từ cuộc thi ''Tiếng hát Công nhân'' sẽ tìm kiếm được nhiều tài năng âm nhạc."

Ca sĩ Lan Anh (ở giữa) cho biết: Ngay từ vòng bán kết đã khai phá được nhiều giọng hát hay.

Diễn ra vào thời điểm dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến khó kiểm soát, ở vòng thi Bán kết cuộc thi "Tiếng hát Công nhân", một yếu tố đặc biệt quan trọng luôn được BTC tăng cường là các hoạt động phòng, chống dịch. Mọi cá nhân ra vào khu vực tổ chức đều phải thực hiện nghiêm túc việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách. BTC bố trí riêng một khu vực ngồi chờ cho các thí sinh ở khu vực ngoài sảnh, tách biệt với khu vực sân khấu bên trong.

Vòng bán kết cũng được chia làm 2 ca thi sáng, chiều để tránh tụ tập đông người. Theo bà Chu Thị Thu Hằng - Tổng Biên tập Báo Văn hóa, Trưởng BTC, để đảm bảo an toàn, vòng bán kết ở cả hai miền Nam - Bắc đều diễn ra không có khán giả, mỗi thí sinh chỉ có một người thân đi cổ vũ. Tuy nhiên, sân chơi này sẽ vẫn để lại những dấu ấn đặc biệt đối với từng người tham gia.

Sau khu vực phía Bắc, vòng bán kết khu vực miền Nam được tổ chức tại Trường Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh vào ngày 6/9. BTC dự kiến sẽ tìm ra được 15 gương mặt thí sinh xuất sắc nhất bước tiếp vào Vòng Chung kết.