"Tâm phục khẩu phục"
Cả 4 giải thưởng năm 2012 đều được giới trí thức và công chúng "tâm phục khẩu phục". Là bởi bản thân Quy chế xét giải đã rất gắt gao, mà quá trình chọn lựa của Hội đồng xét giải cũng kỹ lưỡng.
GS Chu Hảo tâm sự rất thật trong buổi tọa đàm về giải thưởng diễn ra ở Hà Nội (chiều 25/3): "Giải đã được xã hội thừa nhận là một giải thưởng có uy tín. Chính điều đó tạo nên áp lực cho Hội đồng xét giải, chúng tôi phải thảo luận kỹ càng hơn, tranh luận nhiều hơn để tìm ra những gương mặt xứng đáng với giải thưởng và đáp ứng được lòng mong mỏi của công chúng".
Năm nay, Hội đồng xét giải "tuyển" thêm 3 thành viên mới thuộc "thế hệ trẻ" trong giới làm khoa học, do chính Chủ tịch Quỹ Nguyễn Thị Bình giới thiệu. Việc này, theo lý giải của đại diện Hội đồng quản lý Quỹ là nhằm "trẻ hóa" Hội đồng khoa học, bởi 8 thành viên cũ đều đã ở tuổi "ngoại thất thập".
Tại buổi tọa đàm công bố Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2013.
Giống như giải Nobel, đề cử giải thưởng phải do thành viên Hội đồng xét giải hoặc người đã từng nhận giải thưởng này đề xuất. Dù có hạn chế về số lượng, song ở năm thứ 6, đại diện Quỹ rất tự tin với cách làm việc công tâm này: "Bất cứ đề cử nào khi đưa ra thảo luận mà không nhận được 100% số phiếu đồng thuận thì cũng không được đưa vào giải. Có những người rất có uy tín gọi điện đến đề xuất muốn được gặp gỡ, trao đổi rồi vận động để giới thiệu ai đó, công trình nào đó vào danh sách xét giải, hoặc có những học giả mang những công trình dày cộp đến xin ứng cử nhưng chúng tôi cũng buộc phải từ chối, bởi vì không có ai trong Hội đồng đứng ra giới thiệu và đề xuất phản biện cho họ".
Thiếu Mạnh Thường Quân văn hóa
Không ít người quan tâm đến giải thưởng này băn khoăn với việc quảng bá cho công trình, tác phẩm đã và sẽ đoạt giải thưởng Phan Châu Trinh. Chính GS Chu Hảo cũng thừa nhận những cuốn sách, những công trình nghiên cứu sau khi đoạt giải, tình hình xuất bản cũng không khá hơn.
Các cuốn sách được các tác giả dồn nhiều công phu, tâm huyết tuy nhiên tỷ lệ xuất bản không quá 2.000 bản/90 triệu dân. Song "điều này cũng không quá khó hiểu, bởi đó phản ánh sự xuống cấp của nền văn hóa, giáo dục của chúng ta trong giai đoạn gần đây cùng với một nguyên nhân khách quan, mà ví dụ là suy thoái kinh tế" - GS Chu Hảo phân tích.
Nỗi băn khoăn của những người "đứng mũi chịu sào" giải thưởng còn nằm ở vấn đề tài chính. GS Chu Hảo không giấu bức xúc xen lẫn nỗi buồn: "Vấn đề văn hóa Mạnh Thường Quân cho văn hóa, khoa học, giáo dục ở Việt Nam hiện nay không chỉ kém thời xưa mà còn đang mai một dần.
Có rất nhiều Mạnh Thường Quân sẵn lòng tài trợ cho bóng đá hoặc các cuộc thi sắc đẹp, tuy nhiên, với giải thưởng Phan Châu Trinh thì họ rất thờ ơ. Có thể họ thấy, nếu tài trợ cho bóng đá hoặc một cuộc thi hoa hậu, hình ảnh của họ sẽ được quảng bá ngay lập tức, cái đó mình cũng không thể trách được". Để khắc phục những băn khoăn bên lề giải thưởng, trong thời gian tới, những người phụ trách sẽ hướng Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh thành một quỹ hoạt động chuyên nghiệp. Nghĩa là ở đó sẽ có ban điều hành, hoạt động bài bản, vận động tài trợ và có thể có cách khiến tiền tài trợ sinh lời để đảm bảo ổn định tài chính cho giải thưởng.
4 giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2012 gồm: Giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục cho bà Bùi Trân Phượng và ông Vũ Đức Hiếu; Giải Dịch thuật cho ông Chu Tiến Ánh và ông Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường); Giải Nghiên cứu cho nhà sử học Lê Thành Khôi; Giải Việt Nam học cho nhà Việt Nam học người Pháp Philippe Langlet. |