Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Băn khoăn trước giờ “G”...

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26/2013/NĐ-CP (NĐ 26) về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng (TTXD). Quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/5.

Sau 10 năm hoạt động, lực lượng TTXD vẫn còn "lênh đênh" với hai chữ thí điểm. Thì nay, với quy định mới, lực lượng này chưa biết sẽ ra sao khi quân số đã lên tới hơn 1.300 người được bố trí tại 29 quận, huyện phủ sóng tất cả các phường, xã.
 
Băn khoăn trước giờ “G”... - Ảnh 1

 
Lực lượng Thanh tra xây dựng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng quản lý đô thị.Trong ảnh: Công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số nhà 22 Triệu Việt Vương đã được xử lý.Ảnh: Thanh Hải

Danh phận...

Lực lượng TTXD đã hoạt động theo phương thức thí điểm từ năm 2002. Để tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh hệ thống tổ chức quản lý và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ngày 18/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg (QĐ89) thí điểm thành lập TTXD quận, huyện và TTXD xã, phường, thị trấn tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc thành lập lực lượng này đã chấm dứt tình trạng trách nhiệm không rõ ràng, đùn đẩy, thiếu hiệu quả do phân cấp theo kiểu "móng phường, tường quận, mái... thành phố". 

Tuy nhiên, đến năm 2010, khi Luật Thanh tra có hiệu lực, theo quy định Thanh tra chỉ có hai cấp (Bộ và tỉnh), không có ở cấp quận, huyện, xã, phường. Như vậy, việc thực hiện thí điểm đã mâu thuẫn với Luật Thanh tra năm 2010. Đây là một trong những lý do mà NĐ 26 được ra đời và đồng thời "xóa" QĐ89. 

Mới đây, khi Đoàn giám sát của HĐND TP làm việc tại quận Hà Đông, trong nhiều kiến nghị của địa phương, đáng chú ý, ông Nguyễn Bá Phùng, Chánh TTXD quận Hà Đông đã kiến nghị: "Đội ngũ TTXD chưa chính thức được khai sinh. Thời hạn thí điểm quá lâu. Chính vì vậy, trong quá trình hoạt động có nhiều vấn đề về chế độ chính sách, phụ cấp, mô hình tổ chức, đề nghị TP kiến nghị Chính phủ cho phép chính thức khai sinh". 

Vậy nhưng theo NĐ26, cơ quan Thanh tra Nhà nước ngành xây dựng chỉ gồm Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng. Riêng Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được tổ chức các đội đặt tại địa bàn cấp huyện. Chính phủ cũng yêu cầu chấm dứt việc thí điểm thành lập TTXD quận, huyện và TTXD xã, phường, thị trấn tại hai TP.

Trên thực tế, hoạt động của lực lượng này luôn gắn với sự lãnh đạo của chính quyền cơ sở vì TTXD không thể thực hiện cưỡng chế được mà chức năng, thẩm quyền chỉ có thể phát hiện, lập biên bản, xử lý phạt và đề nghị chính quyền quận, huyện, xã, phường ra văn bản. Để cưỡng chế được công trình vi phạm, không chỉ có lực lượng TTXD mà cần có sự phối hợp, vào cuộc của rất nhiều lực lượng khác...
 
Cần tính đến yếu tố đặc thù

Quản lý trật tự xây dựng rất khác với các lĩnh vực quản lý khác. Vi phạm có thể xảy ra hàng ngày, hàng giờ, rất phức tạp, chính vì thế đòi hỏi cấp cơ sở phải có một lực lượng theo dõi, quản lý và kịp thời đình chỉ khi vi phạm mới phát sinh. 

Ngay từ khi manh nha, nếu để xảy ra vi phạm ở quy mô càng lớn thì việc xử lý càng phức tạp và tốn kém cho xã hội. Thực tế ở Hà Nội đã chứng minh, để chính quyền địa phương thực hiện được công tác quản lý trật tự xây dựng, không thể thiếu lực lượng sát sao trên từng địa bàn, tới tận từng ngõ, ngách. Việc quản lý trật tự xây dựng có những vấn đề phức tạp, có tiêu cực. Đây là vấn đề nhạy cảm nhưng không phải vì thế mà có thể phủ nhận sự đóng góp của lực lượng này trong công tác quản lý đô thị. 

Băn khoăn trước giờ “G”... - Ảnh 2
 
Lực lượng Thanh tra Xây dựng Từ Liêm cưỡng chế công trình vi phạm tại xã Tây Mỗ.Ảnh: Thu Năm

Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản với TP, Bộ Xây dựng, khẳng định hoạt động của lực lượng TTXD quận, huyện, xã, phường theo QĐ89 của Chính phủ trên từng địa bàn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND các cấp là cần thiết và rất hiệu quả. 

Mốc dấu đáng nhớ của công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội, phải kể đến việc năm 2007 TP đã thực hiện “cắt ngọn” hàng loạt công trình, kể cả những công trình có quy mô lớn, thi công phức tạp, để chấn chỉnh công tác quản lý, tạo sự đồng thuận từ xã hội, nâng cao ý thức.

 Tiếp đó từ năm 2012, TP tiếp tục quyết liệt chỉ đạo để chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng (788 vụ vi phạm đã được thống kê vào thời điểm đó). Nhưng nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt từ Thành ủy, UBND TP, các cấp, các ngành và quan trọng là có lực lượng TTXD trong kiểm tra, xử lý. 

Đến 31/12/2012, trong 788 vụ (không tính đến 252 vụ vi phạm đất đai), chỉ còn lại 18 vụ vi phạm trật tự xây dựng chưa xử lý xong. Từ cuối năm 2012 đến nay, số vụ vi phạm đã giảm hẳn, không còn phát sinh những vi phạm lớn, điểm nóng. Đây là kết quả rõ nét về đóng góp của lực lượng TTXD.

Một chuyên gia trong ngành xây dựng phân tích, NĐ26 quy định chức năng của TTXD bây giờ tập trung chủ yếu vào thanh tra chuyên ngành, rất ít nhắc đến chức năng quản lý trật tự xây dựng. Các lực lượng TTXD đang tồn tại, được tổ chức thành biên chế các đội. Như vậy, các địa phương có thể cân nhắc.

Để giải quyết bài toán cho lực lượng TTXD, chuyên gia này cho rằng vẫn phải bố trí lực lượng gắn với cấp quận, huyện, xã, phường. Nhưng vì vướng Luật Thanh tra nên không dùng tên gọi "thanh tra" mà nên gọi là Đội Quản lý TTXD. Nhưng, nếu thực hiện theo cách này thì lại vướng quy định về tổ chức chính quyền các cấp. 

Cách tháo gỡ cho Hà Nội chính là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô đang trong quá trình hoàn thiện. TP nên đề xuất Chính phủ đưa lực lượng này vào văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô như một đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng, đô thị. Có như vậy, lực lượng này mới không bị xáo trộn, rã đám và đảm bảo tính phù hợp với thực tế quản lý đô thị.

Ngày 2/4, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP đề nghị chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, trên địa bàn có trách nhiệm tiếp tục tăng cường quản lý, chỉ đạo lực lượng TTXD; tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh... cho đến khi có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định của Bộ Xây dựng, quyết định cụ thể của UBND TP.