Băn khoăn về mức đầu tư công

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các cuộc lấy ý kiến vào Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội vừa qua, các ý kiến đều cho rằng, cần sớm xem xét thông qua Luật này để thúc đẩy phát triển, tháo gỡ vướng mắc thực tế, xóa bỏ tình trạng trì trệ hiện nay.

Cân nhắc thẩm quyền quyết định
Thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp tục được đặt ra khi UBTV Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai đối với Dự Luật. Chính phủ vẫn tiếp tục kiến nghị theo hướng giao Chính phủ có thẩm quyền quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo đúng các nội dung chủ yếu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, đề xuất này lại không nhận được sự đồng thuận của các thành viên UBTV Quốc hội.
 Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - một trong những dự án chậm tiến độ. Ảnh: Chiến Công
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, danh mục, mức vốn của các dự án đầu tư công là vấn đề quan trọng, liên quan đến phân bổ tổng nguồn lực ngân sách Nhà nước rất lớn trong cả giai đoạn 5 năm, có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, cần phải được Quốc hội xem xét, quyết định. Việc trình Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cụ thể cho từng dự án là bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ trong xem xét, quyết định những vấn đề liên quan đến ngân sách Nhà nước.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình, việc quy định Quốc hội xem xét, quyết định danh mục đầu tư công có cơ sở chắc chắn cả về pháp lý và thực tiễn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc cân nhắc phân cấp, ủy quyền cho UBTV Quốc hội hoặc Chính phủ thực hiện công tác này để thuận tiện trong công tác điều hành thực tế. Bởi lẽ, nếu một dự án do Quốc hội quyết định đầu tư, dù chỉ điều chỉnh một đồng cũng phải trình lên Quốc hội quyết định điều chỉnh lại, sẽ phức tạp vô cùng.
Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng, những khó khăn trong việc điều chỉnh danh mục, mức vốn dự án đầu tư công phải được nhìn nhận thấu đáo hơn. Bởi lẽ, thực tế đã cho thấy, chất lượng công tác chuẩn bị hồ sơ dự án đầu tư công của các địa phương, bộ, ngành vừa qua rất có vấn đề. Một dự án được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn đang vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ để lựa chọn triển khai. Do vậy, thay vì kiến nghị Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ cần tập trung làm tốt các công tác chuẩn bị dự án để bảo đảm chất lượng tốt nhất.
Công khai, minh bạch là quan trọng
Việc điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng cũng là nội dung khiến nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia luật băn khoăn. Theo ông Đỗ Minh Sơn (Hội Luật gia TP Hà Nội), việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia trên cơ sở điều chỉnh mức vốn đầu tư lên gấp đôi như Dự Luật này là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát. Do đó, mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia chỉ nên tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng nhằm phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách.
Một số ý kiến lại đề nghị giữ như quy định hiện hành là 10.000 tỷ đồng. Bởi giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội mới chỉ phê duyệt 2 dự án. Quan trọng là thời gian qua không có sự biến động trong điều chỉnh giá cả; dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định đã được bố trí ngay vốn… Nếu điều chỉnh tổng mức vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng không khỏi khiến băn khoăn liệu có hay không tình trạng tiếp tục chia nhỏ để tránh sự giám sát.
Trong bối cảnh đầu tư công đang có cả những điểm sáng song hành cùng với những hạn chế, việc sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý trong đầu tư công nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên, như một số ý kiến đã khẳng định, dự án đầu tư công là dự án sử dụng tiền công nên phải công khai chi tiết đầu tư làm gì, đầu tư như thế nào…

Qua nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho thấy, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn…