Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Mặc dù mới được thành lập từ giữa tháng 8/2013, nhưng Ban Nội chính Thành ủy đã nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả. Ban Nội chính đã chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu, đề xuất cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; cùng các cơ quan chức năng tham mưu nghiên cứu, đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó, chủ trì và phối hợp đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy về công tác quốc phòng, an ninh và phòng, chống tham nhũng, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính TP (Tòa án, Kiểm sát, Tư pháp, Công an, Quân sự, Hải quan), Hội Luật gia TP…; định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
|
Trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, các ngành nội chính cũng đã vào cuộc quyết liệt, từng bước ngăn chặn hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực này. Thanh tra TP đã thực hiện 268 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 100,2 tỷ đồng, 967ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm 42 tập thể và 54 cá nhân. Cơ quan công an đã thụ lý điều tra 46 vụ với 122 bị can, tài sản thiệt hại hơn 48 tỷ đồng và 85.460 m2 đất; đã thu hồi được 6,33 tỷ đồng. Viện kiểm sát nhân dân TP thụ lý 27 vụ với 108 bị can; Tòa án nhân dân TP đã xét xử 27 vụ với 66 bị cáo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phạm Anh Tuấn, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng của TP Hà Nội. Để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, đồng chí mong muốn Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục quan tâm, chỉ đạo toàn diện đối với Ban Nội chính Thành ủy. Đồng chí đề nghị Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội xây dựng kế hoạch công tác năm 2014 có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó, Ban Nội chính Thành ủy cần mở rộng việc thực hiện Kế hoạch 08 của Bộ Chính trị, tham mưu tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế phức tạp; lựa chọn một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, định hướng xử lý, và lựa chọn những vụ án thuộc diện Ban Nội chính Thành ủy theo dõi. Đồng chí Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội tiếp tục chú trọng các biện pháp, giải pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
Tiếp thu các ý kiến của đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Nội chính Thành ủy chủ động, tích cực tham mưu giúp Thành ủy, HĐND, UBND TP đề ra các chủ trương, biện pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng – an ninh; tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan nội chính, với các quận, huyện, thị ủy; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 05 của Thành ủy về “Tăng cường quốc phòng – an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 28 của T.Ư (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Tham mưu, đề xuất đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với hoạt động của các đối tượng cơ hội chính trị, thế lực thù địch, phản động, lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền… để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của Thủ đô, đất nước. Xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, chú trọng đến lĩnh vực an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn phức tạp, các khu công nghiệp, chế xuất…
Đồng chí Nguyễn Công Soái cũng yêu cầu Ban Nội chính Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tư pháp; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các loại án, không để án tồn đọng. Thông qua xét xử các vụ án để tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần củng cố lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước. Chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đẩy nhanh các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…