Chiều ba mươi Tết, bóng vẫn treo đầy từ đường quê ra ngõ phố. Nhớ ngày nhỏ, cứ Tết đến ngoài áo mới và bánh ngon thì thú vui được chờ đợi nhất là bóng. Mấy chị em say sưa thổi từ bóng dài đến bóng tròn, bóng hình con sâu rồi cột chùm với nhau treo khắp nhà. Bây giờ, bóng đủ hình thù đẹp mắt, trẻ nít cũng chẳng phải cực nhọc thổi đến sưng má như ngày xưa, bọn trẻ chơi đâu phút chốc lại thả quên đâu đó trong góc nhà.
Ngày xưa, ba mẹ vẫn dặn dò sáng mồng một khoan ra khỏi nhà, chờ có người xông đất nhà mình đã, mà mình cũng tránh xông đất nhà người ta. Thế mà, bé Út hay được dì nhắn qua xông đất từ chiều ba mươi. Dì bảo Út hạp tuổi dì dượng, lại mau mắn lanh lẹ nên nhất định phải qua xông đất cho dì.
Ngày cuối năm dì soạn sửa gói bánh, nghe ba anh con trai bảo ra chợ mua chứ lục đục chi cho mệt. Nên khi dì gói chẳng đứa nào phụ lau lá, buộc lạt mặc dì lúi húi một mình đến đau lưng. Nghĩ cha mẹ sao bao dung quá đỗi, gói bánh cốt yếu cũng để tạo không khí Tết trong nhà, gói nhiều để vài ngày sau Tết lại đùm gói cho đứa này đứa kia mang vào thành phố. Con cái muôn đời vẫn ích kỷ, chẳng biết những đứa con khi đã thành cha thành mẹ có nghĩ suy soi xét bản thân mình…
Chợ hoa ngày cuối năm tất bật người mua kẻ bán. Có người bận rộn đến chiều ba mươi Tết mới đi sắm sửa một cành đào phương Bắc hay một nhánh mai vàng của trời Nam. Có người lại vì kham khổ nên phải chờ người ta mua hết đồ đẹp, đợi đến bây giờ để mua hàng rẻ về cho nhà mình. Những chú xe ôm, xe ba gác nhọc nhằn mưu sinh trên phố, loay hoay chở đồ cho khách đến tối mịt.
Mình thích đi chợ cuối năm để ngắm cái không khí rộn ràng mà yên ả của một buổi chợ chiều sắp vãn. Trải dài dưới đất là những gánh hàng tủn mủn với vài quả đu đủ, dăm ba trái mãng cầu và mấy bó lá chuối… Những thứ quà quê được mang ra phố trên những đôi triêng gióng cũ mòn. Bao nhiêu người đó còn tất bật chạy chợ vì manh áo cho con.
Chiếc xe dừng ở đầu xóm, có bà mẹ mừng vui tất tưởi chạy ra trông đứa con đã kịp về nhà. Đường làng rộn rã bởi tiếng chào hỏi, tiếng í ới gọi nhau của đám trẻ nít. Thật nao lòng khi nghĩ đến những người con tha hương. Mẹ già ở quê thở than, bôn ba mười hai tháng trên đất khách đủ rồi, còn bao nhiêu ngày đó gắng về quê ăn Tết.
Người có một năm an yên thuận lợi sẽ cảm thấy bịn rịn chẳng muốn chia tay năm cũ. Người không may mắn có một năm chẳng mấy suôn sẻ lại muốn ngày cuối năm qua nhanh để bắt đầu một năm mới tươi vui hơn. Suy cho cùng, ta đâu biết còn bao nhiêu ngày cuối năm để cùng cha mẹ thắp nén nhang trầm mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Biết còn bao nhiêu bữa cơm cuối năm sum vầy cùng cha mẹ, nghe cha mẹ nhắc nhở răn dạy bao điều. Đời người tính tới tính lui tưởng dài đó nhưng đều đếm được nên chi chỉ chộn rộn thôi chứ chẳng thay đổi được gì.
Chiều cuối năm nhắc mình, nhắc người, những nỗi buồn và phiền hà luôn cần phải buông bỏ trước khi trời đất chuyển giao. Trong những chiều tuyệt vọng của cuộc đời tuyệt nhiên đừng để có chiều ba mươi Tết. Hãy để đó là một chiều bình an, một chiều man mác nhẹ nhàng và dù có tất bật thì sau rồi cũng an yên, cũng tràn đầy yêu mến.