Phải chấm dứt trên bảo dưới… làm ngơ
Nhận xét về công tác của Thủ tướng và Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, với sự điều hành linh hoạt, Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã giữ được ổn định toàn diện về kinh tế - xã hội, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, giữ vững tăng trưởng dương, đồng thời có thái độ cương quyết đối với hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ĐB cho rằng, nếu Chính phủ cứ điều hành theo cung cách cũ sẽ không tránh khỏi việc rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trong khi tình hình tham nhũng còn diễn ra nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi của người dân lương thiện, làm suy yếu nguồn lực đất nước, khánh kiệt nguồn tài nguyên quốc gia nhiệm kỳ qua chưa giảm thiểu được. Phạm pháp diễn ra tràn lan ngày càng táo tợn và công khai. “Tất nhiên trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị, nhưng Chính phủ có vai trò chủ công trong nhiệm kỳ vừa qua. Cử tri cho rằng, giá mà Thủ tướng sớm tiến hành kỷ luật vài vụ có lẽ tình hình đã được cải thiện hơn, không nên chờ đến khi đổ bể để họ phải ra tòa” - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói và đề nghị Chính phủ tới đây cần phải cải cách cách thức điều hành. Thủ tướng phải dám kỷ luật, thậm chí, thay thế cả Bộ trưởng, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đợi hết nhiệm kỳ, chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm ngơ.
Nhận xét về cơ chế và thể chế hiện nay còn chằng chịt nhiều mối quan hệ, ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ, tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ qua có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng không thể đổ hết lỗi cho Chính phủ. Hiện nay, trong bộ máy Nhà nước, kể cả tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách Nhà nước không giảm mà cứ phình ra. Theo ước tính, chi lương mỗi năm hết gần 400.000 tỷ đồng, nếu chi đủ thì hết vào khoảng 1 triệu tỷ đồng, bằng với ngân sách cả năm của đất nước. “Như thế nghĩa là ăn hết rồi thì lấy đâu để chi đầu tư phát triển. Ở đây có vấn đề do chính Luật Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước. Riêng Luật Tổ chức chính quyền địa phương tăng thêm 22.000 biên chế hoạt động ở HĐND các cấp, mục tiêu giảm biên chế sẽ là không thể thực hiện được” - ĐB Đỗ Văn Đương nói. Do đó, ĐB cho rằng giải pháp quan trọng là cần cắt giảm tổ chức bộ máy, nhất thể hóa một số chức danh giữa Đảng và chính quyền như huyện trưởng, tỉnh trưởng để lời nói đi đôi với làm, giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách Nhà nước bằng cách hợp thức những tổ chức tương tự giống nhau để bớt các cán bộ trung gian và cán bộ phong trào.
Rõ hơn vai trò Chủ tịch nước
Đối với công tác của Chủ tịch nước, theo ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), thực tế hoạt động của Chủ tịch nước chưa đáp ứng được những kỳ vọng do hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện. Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) dẫn lời phản ánh của cử tri cho biết: "Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri, khi làm việc ở các địa phương luôn luôn thể hiện mong muốn, quyết tâm chống tham nhũng, căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ rất rõ ràng”. Tuy nhiên, ĐB cho hay, bản thân ông cũng rất băn khoăn không biết là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào trong trận chiến đấu tranh chống lại tham nhũng? Chủ tịch nước được làm gì và làm được gì trong việc chống lại tham nhũng? Bên cạnh hạn chế do hành lang pháp lý, thì mối quan hệ phối hợp điều hành giữa Chủ tịch nước và Chính phủ là chưa rõ, chưa cụ thể trong việc giải quyết vấn đề quốc kế dân sinh, vấn đề quan trọng của đất nước. “Cá nhân Chủ tịch nước thấy rất cố gắng, hết mình để làm việc vì dân, vì nước nhưng do hạn chế trong quy định về chế định Chủ tịch nước nên cũng khó” - ông nói và đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch nước cần trình Quốc hội đưa việc xây dựng, ban hành luật chế định Chủ tịch nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chủ tịch nước vừa có quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng không có chế định là chưa phù hợp. Chế định này cần làm rõ với tư cách người đứng đầu các hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước có phải là nguyên thủ quốc gia? Việt Nam có bao nhiêu nguyên thủ quốc gia và nguyên thủ thì được làm những gì? Ngoài ra phải cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực, như thống lĩnh lực lượng vũ trang thế nào, đối nội, đối ngoại ra sao…
Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
|
Theo chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, từ 30/3 - 12/4, Quốc hội sẽ bắt đầu thực hiện quy trình xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước. Theo đó, sáng 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau đó, các đoàn ĐB Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đề này trước khi bỏ phiếu vào chiều cùng ngày. Ngày 31/3, Quốc hội sẽ tiến hành các quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước vào 2/4 và bầu Thủ tướng Chính phủ vào 7/4. Đồng thời, Quốc hội cũng tiến hành kiện toàn một số chức danh như Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ… (Nguyễn Vũ) |