Báo chí kịp thời phát hiện, phản ánh vi phạm
Trong những năm qua, báo chí Việt Nam luôn đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc. Theo PGS. TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam: “Thời gian qua, báo chí cũng phản biện, phản ánh về hiện tượng xâm hại di sản văn hoá xảy ra tại một số địa phương. Chẳng hạn như, vụ công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) năm 2018; việc một công trình du lịch mọc lên ngay vùng lõi Khu Di sản văn hoá và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình); pho tượng Bà Chúa Xứ thứ hai được DN thi công “chui” trên núi Sam (An Giang); Di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị xâm hại nghiêm trọng do sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước… Từ những phản ánh này đã giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở xử lý, giải quyết kịp thời các vi phạm theo quy định Luật Di sản văn hoá.
Với vai trò là phương tiện thông tin nhanh nhạy, kịp thời và rộng khắp, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về đề tài bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc được đẩy mạnh ở tất cả các loại hình báo chí của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể từ T.Ư đến địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo KT&ĐT Lại Bá Hà cho biết: Những năm qua Báo KT&ĐT đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục về đề tài văn hoá, trong đó ít nhiều đề cập đến nội dung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, đồng thời cũng phê phán, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại đến di sản văn hoá. Cụ thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc tăng cường chấn chỉnh giảm bạo lực trong lễ hội, phê phán những hình ảnh chưa đẹp để loại trừ cái xấu, đưa ra những chuẩn mực xây dựng lễ hội văn minh ở Hội Gióng Sóc Sơn, Hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm), Lễ hội chùa Hương… được báo hết sức trú trọng và được phản ánh thường xuyên, liên tục.
Qua những vụ việc cụ thể nêu trên, sự vào cuộc kịp thời và đeo bám đến cùng của các cơ quan báo chí đã phản ánh, nêu rõ sai phạm liên quan đến công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Phó Tổng Biên tập Báo Văn hoá Phan Thanh Nam chia sẻ: “Không chỉ là những thông tin mang tính chất phản ánh, các bài viết đã kịp thời cảnh báo, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực.
Đặc biệt trong bối cảnh đời sống kinh tế thị trường, những tác động mặt trái đã tạo sức ép, thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị nguyên gốc của các di tích, di sản. Các bài viết cũng góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cùng chung tay gìn giữ di sản. Nhờ sự phát hiện kịp thời của báo chí truyền thông và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, những vi phạm trong quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xử lý nhanh và hiệu quả”.
Lan toả giá trị
Cùng với những tin bài luôn bám sát diễn biến thời sự của các vụ việc nóng, nổi cộm trong lĩnh vực di sản, các cơ quan báo chí đã góp phần lan toả, phát huy giá trị di sản thông qua nhiều hình thức truyền thông báo chí như triển lãm ảnh, tọa đàm, hội thảo. Cụ thể trong 16 năm, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” diễn ra thường kỳ vào dịp kỷ niệm 10/10 hàng năm. Trong đó, báo Kinh tế & Đô thị đã dành nhiều chủ đề liên quan đến di sản như: Làng nghề phố nghề, Kiến trúc di sản Hà Nội.
Ngoài ra, Báo Kinh tế và Đô thị còn sử dụng chuyên trang tiếng Anh hanoitimes.vn để thực hiện quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Hà Nội đến bạn bè quốc tế. Thông qua việc quảng bá này đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về vẻ đẹp sức hấp dẫn của TP di sản, vẻ đẹp cổ kính hơn nghìn năm tuổi của Hà Nội mà không phải Thủ đô nào trên thế giới cũng có được.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí, nhà nghiên cứu khoa học cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý di sản với truyền thông, báo chí. Đơn cử như trong các cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, các ban, bộ, ngành T.Ư và địa phương liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan cho báo chí những vấn đề, vụ việc liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa được dư luận xã hội quan tâm để kịp thời tuyên truyền, định hướng.
Đại diện các cơ quan báo chí cũng đề nghị, trong bối cảnh nhiều đơn vị tự chủ về tài chính, các cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo tồn gìn giữ di sản như: Cục Di sản, Sở Văn hóa Thể thao ở các tỉnh thành, Ban quản lý di tích cần bố trí kinh phí bằng cơ chế đặt hàng cho các cơ quan báo chí. Thông qua đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đầu tư nhiều công sức để có những tác phẩm quảng bá di sản đẹp, bắt mắt.
Về phía cơ quan quản lý văn hoá, Giám đốc Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải mong muốn những người làm báo muốn bảo vệ tốt di sản văn hóa, cần phải được trang bị kiến thức sâu sắc về di sản văn hóa. Theo đó, đối diện với những đề tài, vấn đề hay, nhưng một số người viết lại chưa có kiến thức đầy đủ, thậm chí có kiến thức không đúng, sai lệch trong cách nhìn, đánh giá về di sản văn hóa. Vì vậy, đội ngũ phóng viên báo chí cần được trang bị đầy đủ những kiến thức, hiểu biết cơ bản liên quan đến lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.
Trên cơ sở đó, tại hội thảo, Hội di sản Văn hoá Việt Nam và các cơ quan báo chí thống nhất quan điểm rằng báo chí và công tác bảo tồn, phát huy di sản luôn phải đồng hành. Thời gian tới, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về di sản cho đội ngũ các phóng viên, nhà báo.
"Những người làm công tác di sản văn hoá nên sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông để quảng bá; cần phải cởi mở, gần gũi để báo chí có thể tiếp cận nhanh, chính xác những thông tin về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá; nhất là thông tin các vụ việc đáng tiếc xảy ra để định hướng ngay từ ban đầu".
Nguyên PGĐ Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến.
"Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, khoa học và báo chí. Vai trò báo chí thể hiện nhiều phương diện như góp ý cho hoạt động của đơn vị; truyền thông và quảng bá, giá trị di tích đến cộng đồng. Đơn cử, mỗi mùa thi cử, phụ huynh và học sinh thường đến dâng hương. Báo chí đã góp phần định hướng du khách thay đổi hành vi không xoa đầu rùa, hương khói quá nhiều để các hoạt động mang tính văn hóa rõ hơn".
Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu.