Báo chí lan tỏa thương hiệu cho doanh nghiệp

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Với DN, báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin về cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để quảng bá hình ảnh, thương hiệu. Mối quan hệ giữa báo chí và DN đã phát triển lên một tầm cao mới, đó là mối quan hệ tương hỗ cùng phát triển.

Phóng viên tác nghiệp tại khu vực giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp.
Phóng viên tác nghiệp tại khu vực giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp.

Khắc sâu thương hiệu trong tâm trí khách hàng

DN Việt Nam đang trên con đường hội nhập và phát triển, do đó, để thành công thì trước tiên DN phải chú trọng công tác xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình. Thương hiệu tạo ra nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm và dịch vụ mà DN cung ứng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, định vị thương hiệu là câu chuyện sống còn của DN. Để làm được việc này, ngoài đầu tư, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thương hiệu, thì DN phải dựa vào sự hỗ trợ của báo chí, truyền thông.

Trên thực tế, nhiều DN thành công trên thị trường đã biết tận dụng sức mạnh của báo chí trong tổng thể chiến lược truyền thông thương hiệu dài hạn của mình. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Trong một số trường hợp, báo chí còn giúp DN nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, định hướng cho xã hội và DN vì một cộng đồng tốt hơn, phát triển hơn. Báo chí, truyền thông với sức mạnh của mình, ở ý nghĩa đó còn mang cả trọng trách góp phần xây dựng một thương hiệu xã hội.

Việc đấu tranh, giữ gìn thương hiệu, phát hiện hàng giả, hàng nhái trở thành một mặt trận mà báo chí thường xuyên đấu tranh. Thực tế có nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái được báo chí phản ánh tuyên truyền thường xuyên, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở điều chỉnh chính sách. Góp phần làm cho DN phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thông qua các bài báo viết về DN, báo chí tạo nên những luồng dư luận xã hội. Đứng trước tin, bài về một vấn đề nào đó của DN, công chúng sẽ có những đánh giá, nhận xét, có những phản ứng khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh đầy rẫy những thông tin đa chiều, nhiều thông tin xấu, độc gây hoang mang dư luận, thì những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa với DN.

Công chúng có niềm tin với chất lượng và nội dung thông tin được báo chí đưa ra. Chính từ sự tin tưởng đó, công chúng mới đi theo định hướng của báo chí, có phản hồi và tích cực hợp tác, trở thành nguồn tin của báo chí.

Song song với đó, báo chí cũng góp phần định hướng, tiêu thụ hàng hóa nội địa. Thời gian vừa qua, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, đó là nhờ có công rất lớn của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến. Báo chí cũng giúp DN có cái nhìn tổng quan về thị trường, từ đó định hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Cộng hưởng, hợp tác, hiểu biết lẫn nhau

Trong những năm vừa qua, DN và báo chí đã có mối quan hệ tương hỗ, gắn bó cùng phát triển. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, báo chí có một vị trí rất quan trọng, góp phần cho sự phát triển của DN, thúc đẩy quá trình xã hội hóa các hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Báo chí là kênh cung cấp thông tin, truyền tải đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với DN và người dân trong xã hội. Đồng thời, báo chí đã trở thành diễn đàn để DN bày tỏ quan điểm, chính kiến cũng như những kiến nghị của mình với các cơ quan có trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, từ đó họ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng gặt hái nhiều thành công hơn.

Cùng với đó, báo chí có vai trò thúc đẩy quan trọng, tôn vinh, cổ vũ những DN có cách làm kinh doanh sáng tạo. Báo chí tiếp tục là “ngọn hải đăng” đồng hành cùng DN, góp phần vào cải cách môi trường kinh doanh. Nhờ có báo chí, truyền thông, vị trí của DN được cải thiện trên thị trường trong và ngoài nước, thương hiệu của họ ngày càng nhiều người biết đến. Báo chí đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp đối với DN, có ảnh hưởng, tác động thật sự trong cộng đồng DN.

Để báo chí có thể làm tốt nhiệm vụ định vị, chắp cánh thương hiệu, thì đơn thuần chỉ giới thiệu thông tin thương hiệu thôi chưa đủ. Bởi, trong rất nhiều thông tin sẽ có thông tin chính xác và chưa chính xác. Việc của nhà báo là phải xác minh tính chính xác của thông tin mà phía DN đưa ra.

Để làm được điều đó, phóng viên phải đi sâu, đi sát vào DN, hiểu được bản chất và hoạt động thực tế của DN. Khi đó, bài viết mới có sức nặng, phản ánh được đúng bản chất những giá trị của DN đang làm. Bên cạnh đó, báo chí cũng là kênh định vị phân khúc thị trường cho DN, đưa thương hiệu đến đúng đối tượng cần.

Ở chiều ngược lại, phía DN cần kiên định với đạo đức kinh doanh, có trách nhiệm với sản phẩm và khẳng định được thương hiệu và làm thương hiệu. Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ, đổi mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, quảng bá hình ảnh để mọi người biết đến mình, có sự phối hợp giữa DN, các tổ chức DN với chính quyền địa phương để có các hoạt động quảng bá sản phẩm.

Quan trọng vẫn phải xây dựng và khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, bằng uy tín DN. Khi đã khẳng định được chất lượng sản phẩm, DN mới có thể thúc đẩy vấn đề truyền thông. Đồng thời việc xây dựng phát triển thương hiệu phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.

Vì thế, việc kết nối giữa DN với báo chí đòi hỏi sự cộng hưởng, hợp tác, hiểu biết lẫn nhau. Hiện nay công nghệ phát triển, xu hướng điện tử đã đưa các sản phẩm của DN đến với người dân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đưa các sản phẩm ra nước ngoài còn nhiều khó khăn. DN cần đẩy mạnh truyền thông thương hiệu rộng lớn hơn trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Hiệp hội DN người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối giữa DN, người tiêu dùng Việt Nam ở nước ngoài với DN trong nước, đồng thời gắn kết cộng đồng DN với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước. Ngoài ra, với yêu cầu, đòi hỏi cao của người tiêu dùng, DN cần phải làm khác, tư duy khác để bắt kịp với xu thế.

 

Trong tiến trình hội nhập và đổi mới đất nước, hình ảnh của DN ngày càng trở nên quan trọng hơn và đại diện cho hình ảnh đó chính là các sản phẩm, thương hiệu tạo được dấu ấn lớn đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.