Bảo đảm điều kiện sinh hoạt và làm việc cho công nhân: Cần tính đến yếu tố phù hợp

Bài, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh giá chính thức sau đợt khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm các điều kiện sinh hoạt và làm việc đối với công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội” của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội cho thấy, vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Từ việc thiếu nhà ở, nhà trẻ đến các thiết chế văn hóa, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… đều cần sự quan tâm đúng mức.
Điều kiện sinh hoạt nhiều khó khăn
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Lê Đình Hùng, hoạt động của tổ chức công đoàn đã đặc biệt quan tâm đến đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) tại khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX). Trong đó, 2.468 lượt công nhân, viên chức lao động được trợ cấp với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; 15 CNLĐ được hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn”. Tuy nhiên, những hoạt động này chưa đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của đông đảo CNLĐ. Bên cạnh đó, việc tổ chức các thiết chế văn hóa còn hạn chế (mới có 4 điểm sinh hoạt văn hóa), cơ sở vật chất chưa bảo đảm; đời sống của công nhân gặp nhiều khó khăn.

Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội khảo sát khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.        

Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội Đinh Quốc Toản cũng cho biết, nếu các DN nước ngoài hầu như chỉ vi phạm về việc để công nhân làm thêm quá nhiều giờ thì các DN trong nước vi phạm nhiều vấn đề: Chế độ bảo hộ lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động; đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; tham gia đóng và chi trả bảo hiểm xã hội...
Qua khảo sát cho thấy, CNLĐ tại các KCN đang đứng trước 2 mối lo là thiếu nhà ở và nhà trẻ gửi con. Chị Đặng Thị Phương, quê ở Hải Dương, đang làm việc tại Công ty TNHH Thời trang Star, KCN Phú Nghĩa cho biết: Do thu nhập thấp, không đủ trang trải trong khi chưa tìm được nhà trẻ phù hợp mà gửi tư thục có giá cao, nên chị đã phải nhờ bà ngoại từ quê lên chăm con giúp để đi làm.
Cần phù hợp
Hiện nay, trong tổng số 9 KCN đang hoạt động, mới có 4 dự án nhà ở cho CNLĐ tại các KCN với tổng công suất thiết kế khoảng 22.240 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở, bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ. Trong đó, tổng số lao động trong các KCN tăng dần qua các năm, đến giữa năm 2017 là hơn 145.000 người. Như vậy, chỗ ở cho công nhân vẫn thiếu trầm trọng. Khảo sát tại KCN Quang Minh I (huyện Mê Linh) cho thấy, KCN hiện chưa có nhà ở tập trung, nhà trẻ, khu vui chơi…, nên toàn bộ công nhân ngoại tỉnh phải thuê nhà trọ với giá từ 0,8 - 1 triệu đồng/tháng/phòng, giá điện, nước bị tính như giá kinh doanh. Trong khi dự án xây nhà ở cho công nhân được quy hoạch từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn nằm "trên giấy".
Tuy nhiên, ngược lại, ở một số KCN, có nhà nhưng lại không thu hút được công nhân. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho hay: Thực tế chỉ có 60% công nhân thuê tại các khu nhà ở Kim Chung (Đông Anh), KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ) đạt 70%, khu công nghiệp Thạch Thất (Quốc Oai) đạt 69%... "Nguyên nhân một phần do KCN lấy nguồn lao động tại chỗ, nên công nhân không có nhu cầu, một phần là do cơ chế chưa hợp lý, do thói quen sinh hoạt của công nhân, bản thân họ không thích sự quản lý. Đặc biệt, khu nhà ở công nhân thiếu cơ sở hạ tầng, nhà trẻ, thiết chế văn hóa…” - ông Trung phân tích.
Từ kết quả khảo sát, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã đề nghị các DN khi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, việc thiết kế phải quan tâm đến nhu cầu của công nhân, tính đến điều kiện phù hợp như giá cả, diện tích, bảo đảm hài hòa lợi ích công nhân, nhà đầu tư và cả xã hội. Bên cạnh đó, việc xây dựng trường học là giải pháp lâu dài cần tính đến để công nhân yên tâm làm việc... Ngoài ra, Đoàn khảo sát cũng đề nghị các DN tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân lao động.