TP Hồ Chí Minh: Hàng bình ổn chiếm từ 40% - 80%
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năm nay, nguồn hàng phục vụ Tết tăng 60% so với chỉ tiêu TP giao và tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, một số mặt hàng quan trọng như thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả được chuẩn bị khá tốt.
Hiện 3 chợ đầu mối của TP (Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền) đã cung cấp khoảng 8.000 tấn hàng hóa/ngày. Riêng những ngày chuẩn bị Tết, lượng hàng sẽ tăng thêm khoảng 50-70%. Các mặt hàng trong diện bình ổn sẽ có giá cả ổn định, thấp hơn thị trường từ 5-10%, đáp ứng khoảng 40%-80% nhu cầu thị trường tùy theo mặt hàng.
Ảnh: vov.vn
Ông Trần Thanh Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), cho biết SATRA dành 1.691 tỉ đồng dự trữ hàng hóa cho dịp Tết, tăng 15% về khối lượng. Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chuẩn bị 3.000 tấn thịt tươi sống, 6.000 tấn thực phẩm chế biến với tổng giá trị 1.010 tỉ đồng.
Các công ty bánh kẹo lớn như Bibica, Kinh Đô... đều có kế hoạch tăng sản xuất từ 15 - 20% sản lượng so với cùng kỳ năm trước và cam kết không tăng giá vào dịp Tết, thậm chí Vinamit sẽ giảm giá 12% so với ngày thường...
Hầu hết các công ty lớn của TP đều có chương trình liên kết nhằm phục vụ công nhân, bà con ở vùng ven tốt hơn bằng chương trình bán hàng lưu động về nông thôn, các KCX-KCN.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng sẽ được đẩy mạnh vào dịp cuối năm. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, giá cả và trọng lượng hàng đóng gói. Tại các điểm bán hàng bình ổn, siêu thị, hàng hóa sẽ được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, niêm yết và bán đúng giá quy định.
Hà Nội: Chuẩn bị đủ lượng hàng
Theo Sở Công Thương Hà Nội, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong tháng Tết Quý Tỵ sẽ tăng khoảng 18- 20%. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến, rau quả có thể tăng hơn 20%. Riêng nhu cầu mặt hàng lương thực vào khoảng 65.000 tấn trong tháng Tết. Thịt gia súc khoảng 12.000 tấn, thịt gia cầm 6.000 tấn, thủy hải sản 5.000 tấn, thực phẩm chế biến 5.000 tấn, rau củ quả 90.000 tấn…
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chi khoảng 905 tỷ đồng để dự trữ hàng Tết, tăng 15% so với Tết Tân Mão. Hapro tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như hơn 1.000 nghìn tấn gạo, 542 tấn thịt, 575 tấn rau củ quả và gần 2.500 tấn thực phẩm chế biến. Đại diện Hapro cam kết đảm bảo phục vụ người tiêu dùng với giá bình ổn như hiện nay.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, năm nay Công ty đầu tư khoảng 250 tỷ đồng cho hàng Tết, với lượng hàng hóa tăng 30-35% so với tháng bình thường. Toàn bộ hệ thống Fivimart sẽ phục vụ khách hàng đến chiều ngày 30 Tết và mùng 6 Tết mở cửa trở lại.
Chuẩn bị hàng Tết từ sớm, ngay từ tháng 6, hệ thống siêu thị Big C đã làm việc và thống nhất với các nhà cung cấp về số lượng hàng, giá cả. Fivimart cũng ký thỏa thuận hàng Tết từ cách đây 3 tháng. Đến nay, 60% hàng đã tập kết về kho.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp hàng hóa khẳng định, giá hàng hóa Tết năm nay sẽ bình ổn, kể cả thực phẩm chế biến hay các loại hàng hóa phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên tai, dịch bệnh.
Để bảo đảm nguồn cung đầy đủ, giá cả bình ổn trong dịp cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tinh thần coi trọng lợi ích người tiêu dùng. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, phát hiện các hiện tượng đầu cơ tích trữ hàng hóa nhằm trục lợi…
Đến nay, Hà Nội chủ động được 40% lương thực, tự cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm đáp ứng được 62%, thủy hải sản cung ứng được 15%, thực phẩm chế biến từ 20 đến 25%, rau củ quả khoảng 55% cho nhu cầu tiêu dùng Tết.