Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm nguồn cung thủy sản cho Thủ đô

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đáp ứng nhu cầu thủy sản cho thị trường Thủ đô, những năm qua, bên cạnh mở rộng quy mô vùng nuôi trồng tập trung, Hà Nội chủ trương tăng cường kết nối cung ứng với các địa phương lân cận, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ chất lượng.

Nuôi tôm càng xanh ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì. Ảnh: Lâm Nguyễn
Mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP hiện khoảng 21.200ha. Sản lượng thủy sản từ đầu năm 2018 đến nay ước đạt trên 50.000 tấn. Trên sông Hồng và một số hồ chứa thuộc các huyện: Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm, Chương Mỹ, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây đang duy trì 522 lồng nuôi trồng thủy sản, với đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá: Rô phi, trắm cỏ, lăng, ngạch, diêu hồng… Tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản từ đầu năm 2018 ước đạt 5,3%.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày một tăng, TP đã hình thành và hiện đang duy trì có hiệu quả 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, với tổng diện tích 1.690ha. Dù vậy, đối với thủy sản nước ngọt, quy mô sản xuất của Hà Nội hiện mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Phần thiếu hụt chủ yếu được nhập từ các tỉnh, TP lân cận.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát, bên cạnh sự thiếu hụt về sản lượng, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với thủy sản tươi sống được nhập và tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ thủy sản được truy xuất nguồn gốc hiện còn đạt khá thấp.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân Thủ đô, Hà Nội chủ trương kết nối với các tỉnh, TP trong việc cung ứng, trên cơ sở tăng cường công tác kiểm dịch, quản lý, giám sát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, đã có trên 12.000 tấn thủy sản được tiêu thụ tại chợ đầu mối Yên Sở, trong đó, hơn 8.500 tấn thủy sản có nguồn gốc ngoại tỉnh, chủ yếu được nhập tại Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang… được kiểm soát chất lượng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cũng đã lấy trên 44 mẫu thủy sản để đánh giá chất lượng.

Dù vậy, trước đòi hỏi về chất lượng thủy sản ngày càng cao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, TP cần sớm có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các DN đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn. Đây sẽ là nơi quảng bá, giới thiệu các loại nông sản bảo đảm chất lượng, trong đó có thủy sản nói riêng, tới người tiêu dùng Thủ đô. Ông Tường cũng kiến nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP tiếp tục nâng cao chất lượng thủy sản cung ứng cho Thủ đô. Trong đó, quan tâm hơn nữa tới xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, cải tiến mẫu mã để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và có thêm cơ sở tin cậy trong lựa chọn sản phẩm…

Đối với Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thủy sản an toàn, gắn với tăng cường công tác quản lý dịch bệnh. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan định kỳ lấy mẫu phân tích chất lượng thủy sản của các tỉnh, TP đưa về Hà Nội, bảo đảm đưa đến tay người tiêu dùng Thủ đô những sản phẩm thủy sản tốt nhất.