Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động châu Âu trở lại "mùa Đông Covid"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nước Châu Âu đang chứng kiến làn sóng gia tăng các ca bệnh và nhập viện vì Covid-19, thậm chí có nơi ghi nhận mức cao kỷ lục, khi thời tiết lạnh hơn và việc triển khai tiêm chủng ở nhiều khu vực đang bị chậm trễ.

Phun khử khuẩn tại nhà ga Belorussky, thủ đô Moscow, Nga, ngày 20/10. Ảnh: AFP  

Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan hôm 22/10 nhận định, nhiều cuộc tụ tập xã hội trong nhà sau khi dỡ bỏ các hạn chế, ngay khi mùa Đông bắt đầu, đang làm gia tăng các ca nhiễm Covid-19 ở nhiều quốc gia tại châu Âu.

Tuần vừa qua, Vương quốc Anh đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất kể từ tháng 7, với gần 45.000 trường hợp mới hôm 23/10 - 1 ngày sau khi Thủ tướng Boris Johnson phủ nhận khả năng tái áp đặt các hạn chế. Số liệu tử vong vì Covid-19 hàng ngày đã tăng 12% so với tuần trước, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi kể từ khi bắt đầu đại dịch ở nước này lên 139.461 người - cao thứ 2 ở châu Âu, sau Nga.

Trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở Anh đã có dấu hiệu tăng nhanh từ giữa tháng 9, các quốc gia Tây Âu có tỉ lệ người dân đã tiêm vaccine tương đương hiện cũng chứng kiến số ca nhiễm bắt đầu tăng lên, qua đó làm dấy lên lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới. Theo Our World in Data, so với tỷ lệ số ca nhiễm Covid-19 trung bình tuần qua của Anh là 666,5/1 triệu người, ở Tây Ban Nha hiện là 40; Italia - 44,5; Pháp - 80,2; Đức - 146,7; Hà Lan - 223,3 và Bỉ - 328,8.

"Rõ ràng chúng ta đang ở trong làn sóng dịch mới… Chúng ta đang thấy sự gia tăng đáng kể cả về các ca nhiễm và số người nhập viện" - Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke nói hôm 21/10. Cùng ngày, Chính phủ Bỉ ra khuyến nghị người dân cần đeo khẩu trang và làm việc tại nhà khi số ca nhiễm mới ở nước này tăng hơn 40% chỉ trong 3 ngày.

Một phân tích của Reuters hôm 24/10 cảnh báo, số ca nhiễm Covid-19 ở khu vực Đông Âu này sẽ sớm vượt quá 20 triệu người do đợt bùng phát đang diễn ra được cho là tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi các nỗ lực tiêm chủng tại đây đang bị đình trệ.

Theo đó, 3 trong số 5 quốc gia báo cáo nhiều người chết nhất vì Covid-19 trên thế giới là ở Đông Âu - Nga, Ukraine và Romania. Số ca nhiễm mới trong khu vực này tăng đều đặn và hiện có trung bình hơn 83.700 ca nhiễm mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Mặc dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới, Đông Âu chiếm khoảng 20% tổng số ca nhiễm mới được báo cáo trên toàn cầu.

Cũng theo Reuters, hơn 40% tổng số ca mới được báo cáo ở Đông Âu là tại Nga, quốc gia đang ghi nhận 120 người dương tính virus SARS-CoV-2 sau mỗi 5 phút. Các nhà chức trách Nga hôm 23/10 báo cáo 1.075 người đã chết vì virus trong 24 giờ và 37.678 trường hợp nhiễm mới - là con số kỷ lục ngày của đại dịch Covid-19. Số người chết hàng ngày ở Nga đã cao hơn khoảng 33% so với con số được ghi nhận vào cuối tháng 9 và số ca nhiễm đã tăng khoảng 70% trong tháng qua.

Đáng chú ý, chỉ khoảng 1/3 trong số 146 triệu người Nga đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, chủ yếu do sự từ chối đối tiêm chủng phổ biến nơi người dân nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải ngăn chặn tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn bằng cách ra lệnh cho mọi người không đi làm trong khoảng thời gian ít nhất 1 tuần, từ ngày 30/10 - 7/11. Riêng thủ đô Moscow phong tỏa nghiêm ngặt trong 10 ngày, kể từ ngày 28/10 tới. 

Một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu, Eurobarometer, đã chỉ ra rằng ít nhất 1/3 người ở hầu hết các nước khu vực Đông Âu nói chung không tin tưởng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia, so với tỷ lệ trung bình của khối là 18%. Trong khi các hạn chế xã hội liên quan đến tình trạng tiêm chủng đang vấp phải sự phản đối ở nhiều nơi trong khu vực. Hàng trăm người đã biểu tình ở thủ đô Sofia và các TP khác Bulgaria đã chống lại các giấy chứng nhận tiêm chủng ngừua Covid-19 bắt buộc để tiếp cận nhiều không gian công cộng trong nhà, bắt đầu có hiệu lực từ hôm 22/10.