Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động đỏ từ những chiếc “hộp đen”

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiết bị giám sát hành trình, hay gọi một cách dễ hiểu là “hộp đen”, được sinh ra với sứ mệnh vô cùng đặc biệt và quan trọng: Hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước cũng như lực lượng chức năng trong việc giám sát hoạt động của các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải.

Ngay từ thời điểm mới xuất hiện, thiết bị này đã mang theo rất nhiều kỳ vọng về một cuộc “cách mạng” mang tính đột phá trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Đặc biệt, những chiếc “hộp đen” còn được ví như thanh “thượng phương bảo kiếm” giúp chấm dứt vấn nạn “xe dù” “bến cóc” đã và đang nhức nhối trên từng cung đường, góc phố, đặc biệt ở những đô thị lớn. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai với hàng triệu “hộp đen” được gắn trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải, công năng và sứ mệnh của loại thiết bị này mang lại dưới mức kỳ vọng.
Chẳng nói đâu xa, vừa mới đây, Sở GTVT TP Hà Nội công bố một thông tin không thể buồn hơn về những chiếc “hộp đen” này. Đó chính là hàng ngàn lượt xe khách hoạt động trên địa bàn Thủ đô đã "trốn" truyền dữ liệu giám sát hành trình theo quy định. Cụ thể, qua khai thác dữ liệu (từ tháng 10/2020 đến hết tháng 1/2021) trên hệ thống thông tin, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 10/2020, trên địa bàn Hà Nội có 42 đơn vị với tổng số 79 xe vi phạm về tốc độ; 1.812 đơn vị với 12.352 xe vi phạm về thời gian làm việc của lái xe; 10.765 đơn vị với 65.867 xe vi phạm về truyền dữ liệu (không truyền dữ liệu giám sát hành trình từ 10 ngày trở lên). Tương tự, trong tháng 11/2020, có 249 đơn vị với tổng số 536 xe vi phạm về tốc độ; 1.929 đơn vị với 12.438 xe vi phạm về thời gian làm việc của lái xe; 10.945 đơn vị với 70.080 xe vi phạm về truyền dữ liệu. Trong tháng 1/2021, có 549 đơn vị với tổng số 1.508 xe vi phạm về tốc độ; 4.976 đơn vị với 35.517 xe vi phạm về thời gian làm việc của lái xe; 11.027 đơn vị với 68.905 xe vi phạm về truyền dữ liệu. Đây quả là những con số khiến không ít người phải giật mình. Bởi ngay từ khi quy định bắt buộc ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình mới ở mức ý tưởng và đề xuất, không ít ý kiến quan ngại về tính khả thi và hiệu quả của quy định này. Thế nhưng, với sự kỳ vọng lớn lao, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cũng thuyết phục được và đưa ý tưởng này vào thực tiễn. Trong nhiều năm qua, hàng triệu ô tô đã được lắp đặt “hộp đen”. Chưa biết khi đưa vào hoạt động sẽ ra sao nhưng với giá trị của thiết bị giám sát hành trình trên thị trường, đây là công việc tốn kém.

Đắt nhưng không "xắt ra miếng”. Đầu tư một số tiền không nhỏ nhưng sau khi triển khai, vấn nạn “xe dù” “bến cóc” vẫn cứ nhức nhối mà không có phương án nào khắc chế triệt để. Thậm chí trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, không ít xe khách đã cố tình vi phạm quy định giãn cách xã hội, cố tình chở người từ vùng dịch đi và chạy phá lộ trình, sai tuyến khiến cho cả xã hội lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Tại sao những trường hợp này lại không bị phát hiện kịp thời? Câu trả lời ai cũng biết, đó là vì nhiều xe khách cố tình tắt “hộp đen”. Vậy câu hỏi đặt ra: Hàng triệu chiếc “hộp đen” được lắp đặt trên các ô tô kinh doanh vận tải để làm gì? Ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự lãng phí lớn này?