Để đạt được kết quả này, không thể không kể đến sự đóng góp của lực lượng CSGT. Thế nhưng, các chiến sĩ CSGT đang phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, sự sống và cái chết đôi khi chỉ cách nhau một vài tích tắc.
Chiều hướng gia tăng
Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, toàn quốc đã xảy ra gần 30 vụ chống đối CSGT khiến 2 chiến sĩ hy sinh và nhiều chiến sĩ khác bị thương.
Có lẽ, đến thời điểm này, nhiều người vẫn chưa hết sốc và không cầm được nước mắt trước sự ra đi đột ngột của Thiếu tá Lê Quang Minh - Phòng CSGT, Công an tỉnh Đồng Nai, người bị xe tải do tài xế Trần Mạnh Thống điều khiển đâm tử vong trong lúc làm nhiệm vụ tối 15/4. Và gần đây nhất, sự ra đi của Thượng úy Nguyễn Dương Phương Anh – Đội CSGT số 11, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội sau hơn một năm chiến đấu với những vết thương nặng do bị xe tải BKS 29C-160.41 đâm trực diện trong quá trình làm nhiệm vụ đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng trên.
Dư luận cho rằng, để xảy ra sự việc trên, ngoài việc ý thức chấp hành pháp luật của các lái xe quá kém thì cũng có một phần lỗi của chính những chiến sĩ CSGT. Thế nhưng, ở bất cứ hoàn cảnh nào, tính mạng của con người vẫn là trên hết. Và sẽ không có một lý do nào đủ sức thuyết phục để các lái xe biện minh cho hành vi vi phạm của mình. Bởi, đằng sau vài giây bốc đồng (nếu có), đằng sau sự coi thường pháp luật của các lái xe, là nhiều gia đình đã rơi vào cảnh con thơ mất bố, mẹ già mất con, vợ mất chồng, người đầu bạc tiễn người đầu xanh…
Trở lại vụ tai nạn thương tâm của Thiếu tá Lê Quang Minh, theo thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ và đang tiếp tục củng cố hồ sơ để điều tra hành vi sai phạm của lái xe Trần Mạnh Thống. Tương tự, sau sự ra đi của Thượng úy Nguyễn Dương Phương Anh, trao đổi với chúng tôi, một số luật sư cho rằng, căn cứ theo lời khai của lái xe và mức độ nghiêm trọng của vụ việc, nhiều khả năng lái xe gây tai nạn cũng sẽ phải đối diện với tội "Giết người".
Còn nhớ, ngày 1/6/2016, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Đoàn Văn Chuyên (SN 1991, ở Văn Giang, Hưng Yên) 18 năm tù giam vì tội "Giết người" do điều khiển xe tải BKS 89L-0211 đâm và kéo lê Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt - Đội CSGT số 5, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội gần 20m vào ngày 12/12/2015. Đến thời điểm này, có lẽ đây là bản án nghiêm khắc nhất mà các cơ quan chức năng đã tuyên đối với những trường hợp chống đối, hành hung CSGT. Tuy nhiên, thuốc đắng vẫn chưa dã được tật, hàng loạt vụ chống đối lực lượng CSGT hết sức manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng vẫn đã và đang có chiều hướng gia tăng.
Thực tế cho thấy, trong những vụ chống đối, hành hung CSGT, ngoài những trường hợp cố tình vi phạm thì cũng có không ít trường hợp do hoảng sợ mà ra. Tuy nhiên, dù vô tình hay hữu ý, thì cũng giống như gia đình của các chiến sĩ CSGT, gia đình và bản thân những lái xe gây tai nạn cũng sẽ luôn phải sống giữa những ám ảnh, dằn vặt vì những sai lầm của mình, người thân đã gây ra.
Cần chế tài cứng rắn
Liên quan đến tình trạng gia tăng các vụ chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, TS. Đinh Thế Hưng - Trưởng phòng Tư pháp hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng, tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung cũng như chống lại lực lượng CSGT vẫn gia tăng, trước tiên là do ý thức pháp luật của người dân còn kém. Bên cạnh đó, hoạt động công vụ của không ít cán bộ, chiến sĩ CSGT còn chưa tuân thủ quy trình công tác, vi phạm các nguyên tắc trong xử lý vi phạm. Mặt khác, văn hóa giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý, giải quyết tình huống còn hạn chế… khiến cho người tham gia giao thông và người vi phạm ức chế dẫn đến hành vi cản trở, chống đối. Cũng theo TS Đinh Thế Hưng, mặc dù hành vi “Chống người thi hành công vụ” đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng vi phạm còn nhẹ, chưa đủ mức răn đe nên tình trạng này không có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn diễn ra nghiêm trọng hơn.
Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật giao thông và các quy định của pháp luật về công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT để Nhân dân hiểu, có ý thức chấp hành và hợp tác với lực lượng tuần tra kiểm soát khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đối với các hành vi chống người thi hành công vụ, các cơ quan chức năng cần đưa ra xử điểm, công khai lưu động để có tác dụng răn đe, giáo dục chung. Ngoài ra, lực lượng CSGT cần tăng cường năng lực cưỡng chế, trấn áp có hiệu quả các hành vi chống người thi hành công vụ. Đồng thời, định kỳ tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật, võ thuật, kỹ năng xử lý tình huống, giao tiếp cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường…
Thực tế cho thấy, những biện pháp mà lãnh đạo Cục CSGT đưa ra nhằm hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ đã được các đơn vị thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, đến thời điểm này có thể khẳng định, các biện pháp trên đã thất bại. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ chính lực lượng CSGT. Cụ thể, theo một số chuyên gia, do đặc thù công việc, nên dường như lực lượng CSGT chỉ quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh mà quên mất việc “bêu” tên các trường hợp vi phạm. Từ đó, người vi phạm đã chống đối được một lần thì không có gì đảm bảo sẽ không có lần sau, và lần sau không nghiêm trọng hơn lần trước.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 1986 trở lại đây đã có 162 cán bộ chiến sĩ hy sinh, 1.043 chiến sĩ bị thương nặng, mang thương tật vĩnh viễn trong quá trình làm nhiệm vụ. Và từ đầu năm 2017 đến nay, toàn quốc đã xảy ra gần 30 vụ chống đối lại lực lượng CSGT trong khi làm nhiệm vụ, khiến 2 chiến sĩ hy sinh, nhiều chiến sĩ bị thương. Cũng từ đầu năm đến nay, công an các địa phương đã khởi tố 6 vụ, 9 đối tượng với tội danh "Chống người thi hành công vụ". |