Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động tình trạng hàng Việt bị làm giả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", người tiêu dùng trong nước đã chuyển thói quen từ sử dụng hàng ngoại sang dùng hàng Việt.

Lợi dụng lòng tin này, dân buôn lậu đã gắn nhãn mác hàng Việt Nam lên hàng nhập lậu giá rẻ để tiêu thụ. Điều đó cho thấy, hành vi lừa đảo này cần phải được chặn đứng, nếu không người tiêu dùng sẽ mất dần niềm tin, quay lưng với hàng Việt.

Hàng Trung Quốc giả dạng hàng Việt

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia): Những ngày đầu tháng 3/2015, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh phát hiện lô hàng hơn 3.000 sản phẩm gồm các loại quần áo, giày, ví da mang các thương hiệu ngoại như Nike, Gucci, Versace… được ghi rõ sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, những sản phẩm này vẫn còn các tem nhãn chữ Trung Quốc mà dân buôn lậu chưa kịp tháo bỏ. Trước đó, Chi cục Hải quan Cốc Nam, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) đã phát hiện và thu giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam có gắn mác Made in Vietnam. Trong số các mặt hàng bị thu giữ có cả sản phẩm mang thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao như Bóng đèn Rạng Đông.

 
Lựa chọn mua hàng ở hội chợ hàng Việt Nam do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tại huyện Mê Linh. 	Ảnh: Phạm Hùng
Lựa chọn mua hàng ở hội chợ hàng Việt Nam do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Ông Vương Trí Dũng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên, lực lượng QLTT phát hiện hàng nhập lậu do Trung Quốc sản xuất nhưng lại được gắn nhãn hiệu hàng Việt để tiêu thụ. Trong năm 2014, lực lượng chức năng TP Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 1.120 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có không ít vụ hàng nhập lậu nhưng giả nhãn mác hàng Việt. Cụ thể, Đội QLTT số 6 (Chi cục QLTT Hà Nội) qua kiểm tra đã thu giữ được 4 tấn bánh kẹo do Trung Quốc sản xuất, nhưng trên bao bì sản phẩm lại ghi tên 4 cơ sở sản xuất của Việt Nam, trong đó có 3 cơ sở đặt tại làng nghề La Phù (Hoài Đức). Kiểm tra những địa chỉ này, cơ quan chức năng đã xác định một cơ sở không có thực, còn 3 cơ sở ghi tại xã La Phù đều là địa chỉ "ma". Điều đó cho thấy, đây là hàng Trung Quốc đóng gói rồi giả nhãn mác của làng nghề bánh kẹo La Phù.

Không chỉ có hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu…, ngay cả một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản vốn là thế mạnh của nhiều DN Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự. Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện tại các chợ đầu mối nông, thủy sản một lượng lớn khoai tây, cá, ếch nhập lậu nhưng được "gắn mác" hàng Việt Nam để tiêu thụ.

Đâu là nguyên nhân?

Theo đánh giá của Chi cục QLTT Hà Nội, phần lớn số vụ vi phạm mà lực lượng QLTT kiểm tra phát hiện là hàng tiêu dùng nhập lậu có xuất xứ Trung Quốc do giá rẻ nếu được gắn nhãn hiệu Made in Vietnam không chỉ dễ tiêu thụ mà giá bán cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn như đầm trẻ em hiệu Disney hàng Trung Quốc giá chỉ 70.000 - 80.000 đồng/chiếc, nhưng nếu mang mác hàng Việt thì giá lên tới 160.000 - 170.000 đồng/chiếc. Theo ông Chu Xuân Kiên - Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, việc xử lý người làm giả xuất xứ đòi hỏi bắt quả tang nơi sản xuất, nhưng thực tế cho thấy, việc xác định nguồn gốc một lượng lớn hàng nhập lậu đội lốt hàng Việt không dễ dàng. Trong quá trình vận chuyển, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, các chủ hàng chấp nhận bỏ hàng hóa vi phạm.

Tại Hội nghị tổng kết công tác chống hàng lậu, hàng giả năm 2014 của BCĐ 389, một số DN phản ánh, đang có tình trạng DN Việt Nam sang đặt hàng tại Trung Quốc sản xuất theo mẫu. Tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu hoặc kiểm tra trên đường thì sản phẩm đó vẫn là hàng Trung Quốc sản xuất, nhưng khi đưa ra thị trường tiêu thụ lại sử dụng nhãn mác hàng Việt. Có tình trạng này là do phần lớn ưu đãi đều dành cho hàng xuất khẩu, chẳng hạn chính sách giảm trừ thuế VAT trong khi hàng trong nước lại không được giảm trừ đã khiến đẩy giá nhiều mặt hàng cùng loại trong nước lên cao.

Để có thể ngăn chặn tình trạng hàng nhập lậu giả nhãn mác hàng của các DN trong nước, theo ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam: Trước hết đòi hỏi lực lượng chức năng khu vực biên giới phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách tạo động lực cho các DN sản xuất hàng Việt. Như thế mới có thể giúp tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích DN trong nước tập trung phát triển thị trường nội địa, qua đó phát triển sản xuất.