Sau những ầm ĩ kỷ lục 3.000 người hát quan họ ở Bắc Ninh hoặc bánh chưng kỷ lục ở lễ hội đền Hùng… thì việc đến giờ Bộ VHTT&DL mới ra văn bản khuyến cáo đã bị coi là quá muộn để chữa bệnh chạy theo kỷ lục.
Đại xòe không chỉ của riêng Yên Bái
Vào đầu tháng 9/2019, UBND tỉnh Yên Bái có thông tin sẽ tổ chức trong lễ khai mạc “Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2019” vào tối 20/9. Đặc biệt, trong đêm khai mạc sẽ có màn đại xòe Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của 5.000 người dân, nghệ nhân và du khách.
Không xây dựng hồ sơ xác lập kỷ lục, UBND tỉnh Yên Bái vẫn tổ chức màn đại xòe với 5.000 người tham gia. |
Ban tổ chức Lễ hội dự kiến gửi hồ sơ đăng ký tới Tổ chức Kỷ lục thế giới (The Guinness World Records) nhằm giới thiệu nghệ thuật xòe cổ và quảng bá điệu múa dân gian, dân vũ của đồng bào dân tộc Thái - Tây Bắc ra thế giới.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, UBND tỉnh Yên Bái đã gửi công văn xin ý kiến Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên, trước khi nhận được công văn hồi đáp của Bộ VHTT&DL vào 16/9, thì ngày 14/9, đại diện Ban tổ chức lễ hội đã khẳng định với báo chí: Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, sau khi cân nhắc và xem một số yêu cầu và điều kiện của Tổ chức Kỷ lục thế giới, Ban tổ chức quyết định dừng đăng ký Hồ sơ Kỷ lục Guinness thế giới. Tuy dừng đăng ký nhưng vẫn tổ chức màn đại xòe trong khuôn khổ Lễ hội.
Bên cạnh vấn đề yêu cầu và điều kiện, theo ý kiến của Bộ VHTT&DL, tháng 3 vừa rồi Việt Nam đệ trình hồ sơ di sản phi vật thể Nghệ thuật xòe Thái đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hồ sơ do cộng đồng chủ thể của di sản, chính quyền địa phương các cấp có di sản các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái đồng thuận trình và cam kết bảo vệ. Nghĩa là Bộ VHTT&DL khẳng định nghệ thuật xòe không chỉ của riêng Yên Bái.
UNESCO cũng không cổ vũ hàm ý độc quyền hoặc biện pháp bảo tồn vô tình tạo sự ganh đua giữa các cộng đồng. Chính vì vậy, việc tạo màn kỷ lục 5.000 người múa đại xòe chắc chắn không đúng với tinh thần bảo tồn di sản thế giới.
Đoạn tuyệt với căn bệnh kỷ lục vô nghĩa
Năm 2012, du khách được một phen tức cười khi xem kỷ lục 3.000 liền anh liền chị mặc trang phục hát quan họ trong Lễ hội Lim (Bắc Ninh). Việc xác lập kỷ lục này không ngoài mục đích quảng bá cho quan họ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Tuy nhiên, quảng bá theo cách nghĩ của lối làm phong trào, làm cho rầm rộ chấn động lên, cho mấy nghìn người chen vai hát để “khoe” quan họ đã tạo nên hiệu ứng ngược. Và lúc đó, từ Bộ đến Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh đã không phổ biến thông tin đầy đủ cho người dân về tiêu chí và phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này cũng như cách duy trì phát triển quan họ cho đúng truyền thống. Do vậy mới xảy ra cách nghĩ lấy kỷ lục là phương pháp bảo tồn di sản và đến giờ bệnh đó vẫn được một số tỉnh như Yên Bái muốn áp dụng.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, việc xác lập kỷ lục đối với việc bảo tồn văn hóa phi vật thể đã không phù hợp, với hiệu quả quảng bá du lịch lại càng không. Bởi văn hóa phi vật thể rất tinh tế vốn được bảo tồn theo hình thức trao truyền, nhiều hơn là hoành tráng và phô trương. Còn ở góc độ du lịch cũng không nên quảng bá theo dạng khổng lồ, hùng vĩ. Vì du khách thích khám phá những thứ tinh tế, đi vào lòng người.
Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nghệ thuật xòe phải tồn tại ở trong cộng đồng làng bản, thôn xóm, trong các sinh hoạt tinh thần vui tươi của người dân địa phương, phù hợp với phong tục tập quán địa phương… Những kỷ lục đông người cùng xòe không có ý nghĩa gì với việc bảo tồn di sản này.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, nhiều người vẫn mắc bệnh muốn phô trương bằng kỷ lục, chạy theo cái danh trong khi cái hiệu quả đích thực lại không có. Đã đến lúc xã hội cần hướng tới những giá trị sâu sắc hơn, dũng cảm đoạn tuyệt với căn bệnh chạy theo các loại kỷ lục vô nghĩa.