|
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương. |
Làm gì để khôi phục sự phát triển cho lĩnh vực hết sức quan trọng này là bài toán rất được quan tâm. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương xung quanh vấn đề này.
Cấp thiết tổ chức lại chăn nuôi
Ông đánh giá như thế nào về tác động của dịch tả lợn châu Phi sau khoảng một năm xâm nhập và lan rộng tại Việt Nam?
- Dịch tả lợn châu Phi là đại dịch chưa từng có trong lịch sử ngành chăn nuôi nước ta. Đại dịch đã gây tổn thất nặng về với hơn 1,6 triệu con lợn bị tiêu hủy. Người chăn nuôi rơi vào tình cảnh lao đao do sản xuất bị ngưng trệ, trong khi người tiêu dùng cũng phải bỏ ra chi phí lớn hơn nhiều lần để sử dụng thịt lợn.
Có thể nói, chưa bao giờ ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn như trong năm 2019 - khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của ngành nông nghiệp trong năm qua. Tôi tin rằng, nếu không phải hứng chịu những tác động nặng nề của dịch tả lợn châu Phi thì ngành chăn nuôi năm qua sẽ có những bước tăng trưởng tốt hơn.
Trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi hoành hành, phải chăng người chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất?
- Đúng vậy. Dù dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng đến nhiều thành phần kinh tế nhưng tác động của nó đến sinh kế của người chăn nuôi nhỏ lẻ là rất lớn. Thực tế, chăn nuôi lợn nhỏ lẻ ở nước ta vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều thế hệ nông dân coi chăn nuôi lợn là sinh kế quan trọng.
Thời điểm dịch tả lợn châu Phi đi qua, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã không đủ năng lực để phòng chống, phải “bỏ cuộc chơi”. Trong khi đó, các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp hơn thì theo được và có cơ hội lấy lại những gì đã mất sau dịch bệnh. Rất nhiều nông hộ cũng mất đi cơ hội để khôi phục chăn nuôi lợn sau đại dịch.
|
Chăn nuôi lợn tại huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Dù đã triển khai rất nhiều biện pháp phòng chống, tuy nhiên, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đối với ngành chăn nuôi vẫn rất lớn. Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp đã được áp dụng?
- Cho đến giờ phút này, Việt Nam đã làm tất cả các giải pháp có thể, đồng bộ và khá hiệu quả để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Điều này có thể thấy rõ nếu so sánh thiệt hại mà Việt Nam phải hứng chịu với các nước xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc.
Trung Quốc là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới nhưng đã phải chao đảo hơn một năm qua vì dịch tả lợn châu Phi. Do đó, ngành chăn nuôi lợn trong nước khó có thể tránh được những thiệt hại.
Thiệt hại của ngành chăn nuôi lợn hơn một năm qua có một phần nguyên nhân từ chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt thay đổi hình thức tổ chức sản xuất này, thưa ông?
- Chúng ta nhất định phải khôi phục lại chăn nuôi lợn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu và một trong những giải pháp quan trọng nhất chính là tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Ở đó có vai trò quan trọng của các DN, hiệp hội, hợp tác xã và nông hộ. Chúng ta không đẩy nông hộ ra khỏi cuộc chơi mà cần dẫn dắt họ vào cuộc chơi bằng các chuỗi liên kết. Điều này sẽ giúp kiểm soát được an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc nông sản, hướng tới phát triển bền vững. Có nghĩa là nền sản xuất mới sẽ chia đều trách nhiệm và quyền lợi cho các tác nhân tham gia, tránh tình trạng thương lái ép giá, hoặc lợi nhuận chỉ đổ vào khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, trong khi người chăn nuôi không được hưởng lợi gì.
Đầu năm 2021, chăn nuôi lợn sẽ hồi phục
Trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi hoành hành, thị trường thịt lợn bị xáo trộn lớn. Điều này phải chăng đang cho thấy cơ cấu chăn nuôi của nước ta chưa thực sự hợp lý?
- Hiện nay, tỷ trọng thịt lợn trong “rổ thực phẩm” vẫn chiếm đến 70% tổng nhu cầu về thịt. Đây là sự chênh lệch rất lớn. Do đó, Bộ NN&PTNT đang tính toán, cơ cấu lại vật nuôi theo hướng giảm áp lực cho con lợn. Dự kiến, Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030 sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới. Một điểm đáng lưu ý trong đó là có nội dung cơ cấu lại các loại vật nuôi. Chúng ta sẽ giảm tương đối đàn lợn, tăng gia cầm, gia súc ăn cỏ để phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Chịu thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi, đến khi nào ngành chăn nuôi lợn mới có thể hồi phục, thưa ông?
- Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của chăn nuôi lợn đối với an sinh xã hội, từ tháng 10/2019, chúng ta đã có chủ trương tái đàn. Nhiều địa phương thậm chí thực hiện tái đàn từ tháng 7/2019. Quy định tái đàn đã được nêu rất rõ trong nhiều văn bản của Bộ NN&PTNT gửi tới các tỉnh, TP, các tổ chức, DN và người chăn nuôi. Mặc dù vậy, khủng hoảng đàn lợn sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chúng ta sẽ không thể lấy lại được ngay đàn lợn. Tôi cho rằng sẽ cần khoảng hơn một năm nữa, ngành chăn nuôi lợn mới hồi phục; tức là phải đến đầu năm 2021 thì quy mô đàn lợn của Việt Nam mới có thể trở lại được thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Trong quá trình tái phát triển ngành chăn nuôi lợn, ông có khuyến cáo nào đối với các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ?
- Muốn khôi phục lại ngành chăn nuôi, chúng ta không thể vội vàng nhưng phải khẩn trương trong tái đàn có kiểm soát. Theo đó, tất cả các hộ có chuồng trại bảo đảm điều kiện thì thông báo cho cơ quan thú ý, chính quyền địa phương để được hỗ trợ tái đàn. Trong quá trình tái đàn, nhất định phải áp dụng đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Kiểm soát tốt các khâu trong quá trình chăn nuôi lợn. Từ bỏ thói quen sử dụng thức ăn chăn nuôi tùy tiện, lưu ý xử lý qua nhiệt trước khi sử dụng cho đàn lợn.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều địa phương tổ chức tái đàn rất hiệu quả. Nhiều nông hộ đã tái đàn lợn tốt và đang rất giàu có. Đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy sự khôi phục nhanh hơn cho ngành chăn nuôi lợn trong bối cảnh dịch tả châu Phi chưa thể khống chế hoàn toàn.
Xin cảm ơn ông!
"Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới chưa công bố hết dịch tả châu Phi nhưng vẫn có ngành chăn nuôi lợn rất phát triển. Điển hình như Tây Ban Nha, đã bị dịch từ 28 năm trước nhưng đến nay vẫn phát triển đàn lợn rất tốt. Do đó, chúng ta cần xác định phải chung sống với dịch. Chăn nuôi an toàn sinh học trong điều kiện vẫn tồn lưu dịch bệnh bên ngoài môi trường nhưng bảo đảm trong chuồng nuôi không có mầm bệnh. Đó là biện pháp rất quan trọng và không thể không thực hiện." - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, kể từ khi bùng phát hồi tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra hơn 33.006 hộ chăn nuôi tại 449 xã, phường thị, trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Số lợn bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy là trên 543.878 con, với tổng trọng lượng khoảng 37.160 tấn. Đến nay, toàn TP còn 4 xã có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày là: Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), Chu Phan (huyện Mê Linh), Tân Lập (huyện Đan Phượng) và Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). |