Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo hiểm thất nghiệp - thủ tục còn rườm rà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều làm việc đầu tiên sau phiên khai mạc ngày 21/10, Quốc hội đã tập trung thảo luận về dự án Luật Việc làm. Các ý kiến xoay quanh vấn đề thành lập các trung tâm giới thiệu việc làm, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Về chính sách chi trả cho BHTN, dự thảo Luật Việc làm quy định Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thành lập là đầu mối trực tiếp đối với người lao động, thực hiện tiếp nhận đăng ký thất nghiệp, lập hồ sơ thất nghiệp; giải quyết và chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, cơ quan Bảo hiểm Xã hội chịu trách nhiệm thu và quản lý quỹ BHTN.

Theo ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị), việc giải quyết và chi trả BHTN hiện nay có rất nhiều thủ tục rườm rà. Nơi chi trả BHTN cần phải gắn với nơi người lao động cư trú, có thể về tới cấp huyện, thậm chí cấp xã. Làm sao để người lao động khi về địa phương vẫn được chi trả tại nơi cư trú của mình, đơn cử như thất nghiệp từ TP Hồ Chí Minh về Quảng Trị vẫn được chi trả đầy đủ.

Có chung quan điểm, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cho rằng, quản lý riêng cho việc chi trả BHTN sẽ đẻ ra bộ máy và tăng chi phí. “Tôi nói chuyện với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và được biết, năm 2013 dự kiến chi 213 tỷ đồng, 2014 lên 436 tỷ đồng, tăng lên gấp hơn 2 lần cho chi phí quản lý này” - ĐB Đặng Ngọc Tùng nói. ĐB này phân tích thêm, thực tế, việc chi trả BHTN ở mỗi tỉnh chỉ có trung tâm giới thiệu việc làm tại Sở LĐTB&XH làm sao giải quyết hết được? Có người lao động ở dưới địa phương đi đến trung tâm mất cả trăm cây số rồi lại đi về, hàng tháng phải lên báo cáo nữa, rất khổ.