Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo hiểm y tế HSSV: “Phao cứu sinh” nối dài những cuộc đời nhỏ bé

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đã được xem là “chiếc phao cứu sinh” không thể thiếu của mỗi người. Đặc biệt, với học sinh sinh viên (HSSV) không may mắc bệnh hiểm nghèo cần phải chữa trị bệnh lâu dài thì giá trị của việc tham gia BHYT càng được nhân lên gấp bội.

Lá chắn sức khỏe

Vốn mắc bệnh bạch cầu cấp (ung thư máu) từ năm 10 tuổi, cứ 4 tuần/lần, em N.V.Q. (học sinh lớp 7, trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) lại phải vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị bệnh. Chi phí mỗi lần điều trị bệnh của Q. rất tốn kém.  

Theo lời của chị N.T.T. (quận Thanh Xuân) – mẹ của Q., bản thân chị công tác trong ngành luật nên nắm rất rõ các quy định về khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Thế nhưng, khi phát hiện con mắc bệnh, cùng con đi điều trị suốt những năm qua, gia đình chị thấy thấm thía vô cùng về giá trị của tấm thẻ BHYT mang lại.

Một lớp học tại trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Một lớp học tại trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

 “Với bệnh hiểm nghèo của con trai tôi, mỗi lần chi phí điều trị rất nhiều. Tôi nhớ, chi phí đợt điều trị đầu tiên đáng lẽ gia đình phải thanh hơn 600 triệu, nhưng may mắn con tham gia BHYT HSSV nên con cũng được BHYT chi trả hơn 200 triệu.

Những đợt sau vào viện, trung bình mỗi lần chi phí khoảng hơn 200 triệu đồng nhưng con cũng được BHYT chi trả 40% số tiền thuốc. Trong suốt 9 đợt “đánh” hóa chất tăng cường, các loại thuốc của con đều được giảm theo danh mục BHYT. Từ khi con tôi điều trị bệnh đến nay, chi phí được BHYT thanh toán hơn 500 triệu đồng.

Với khoản tiền lớn đó, trong 2 năm nghỉ việc ở nhà để đồng hành cùng con, nếu không có BHYT chi trả cho gia đình thì chúng tôi không biết xoay sở thế nào. Nhờ BHYT, gia đình tôi đã bớt được gánh nặng, có thêm động lực để cùng con chiến đấu với bệnh tật” – chị T. chia sẻ.

Là người mẹ cùng đồng hành với con trong suốt những đợt điều trị bệnh, từng chứng kiến nhiều người có hoàn cảnh khó khăn lên Thủ đô KCB, thường xuyên tiếp xúc với vấn đề chi trả BHYT, bản thân chị T. muốn lan tỏa ý nghĩa nhân văn của tấm BHYT tới cộng đồng, trong đó có BHYT HSSV. Bởi với những HSSV không may mắc bệnh hiểm nghèo cần có thời gian chữa trị bệnh lâu dài thì giá trị của việc tham gia BHYT càng được nhân lên gấp bội

Theo chị T., mỗi năm, chúng ta đóng BHYT không quá nhiều nhưng lợi ích của thẻ BHYT mang lại rất lớn. Với gia đình nào có con không may mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, BHYT như “tấm phao cứu sinh” cho gia đình đó.

Thăm khám cho học sinh trường trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.
Thăm khám cho học sinh trường trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.

Đối với Q., việc được quay trở lại trường học, bắt đầu một năm học mới với bạn bè, thầy cô vừa là ước mong, vừa động lực to lớn trong quá trình điều trị. Trong quá trình chữa bệnh, thẻ BHYT là người bạn đồng hành giúp gia đình Q. vơi đi phần nào khó khăn về tài chính, đồng thời tiếp thêm động lực cho em chống chọi với bệnh tật.

“Trong suốt những năm qua, em điều trị bệnh, tấm thẻ BHYT đã hỗ trợ, đồng hành cùng em và gia đình rất nhiều để em có được sức khỏe ổn định như ngày hôm nay, để em được tiếp tục đến trường học tập, vui chơi cùng bạn bè” – Q. chia sẻ.

Phát huy hiệu quả chính sách BHYT HSSV

Phía sau mỗi tấm thẻ BHYT là một câu chuyện cảm động. Nhờ tham gia BHYT, các em được chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ trường học. Những trường hợp không may mắc trọng bệnh, chi phí điều trị quá lớn vượt quá khả năng tài chính của gia đình, thì quỹ BHYT thực sự là điểm tựa vững chắc.

Cũng giống như Q., Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi em Q.H. (học sinh lớp 2, trường Tiểu học Chương Mỹ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và gia đình đã quá quen thuộc do phải đi lại nhiều lần để điều trị bệnh suy tủy xương vô căn.

Nhân viên y tế kiểm tra mắt  cho học sinh.
Nhân viên y tế kiểm tra mắt  cho học sinh.

Chi phí cộng dồn mỗi lần điều trị bệnh khá lớn trong khi bố mẹ em chỉ làm nông nghiệp nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh nhưng may mắn, H. đã tham gia BHYT HSSV nên đã giúp giảm gánh nặng cho gia đình em rất nhiều.

Chị Nguyễn Thị Mai – phụ huynh em Q.H. chia sẻ: “Con trai tôi đi học có tham gia đóng BHYT HSSV, may mắn BHYT chi trả cho con 80% mỗi lần điều trị bệnh, đỡ tốn kém cho gia đình tôi rất nhiều. Nếu không có BHYT chắc gia đình tôi cũng không chữa được bệnh con”.

Những trường hợp như em H. đã được nhà trường nêu lên tại các buổi họp hội đồng để các thầy cô giáo tuyên truyền tại các buổi học phụ huynh đầu năm học. Từ đó, khích lệ các bậc phụ huynh quan tâm tham gia BHYT HSSV cho con mình để các con có một điểm tựa, một lá chắn sức khỏe. Điều này cũng giúp các gia đình tránh lâm vào cảnh vay mượn, nếu không may con mắc bệnh nặng, chi phí điều trị tốn kém.

Cán bộ BHXH Hà Nội tuyên truyền BHYT HSSV tại trường Tiểu học Kiến Hưng, quận Hà Đông.
Cán bộ BHXH Hà Nội tuyên truyền BHYT HSSV tại trường Tiểu học Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Thời gian qua, BHXH huyện Chương Mỹ đã chủ động tuyên truyền, phối hợp với các nhà trường nhằm thúc đẩy tỷ lệ tham gia BHYT HSSV. Năm học 2022 - 2023 vừa qua,  tỷ lệ tham gia đạt 98,15%, tăng 4% so với năm học trước.

“Nếu học sinh nào chưa tham gia BHYT HSSV, chúng tôi tìm hiểu rõ nguyên nhân để có giải pháp tuyên truyền, vận động cụ thể từng trường hợp. Nếu xác định trường hợp có gia đình khó khăn, chúng tôi sẽ kêu gọi các mạnh thường quân, tổ chức, DN hỗ trợ bằng việc trao tặng thẻ BHYT cho các em” - Phó Giám đốc BHXH huyện Chương Mỹ Nguyễn Quý Đạt cho hay.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Giám đốc BHXH quận Thanh Xuân Bùi Thị Lưu cho biết, trong năm học 2022-2023, quận có 102.761 HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 99%. Đáng chú ý, toàn quận có 52 trường/60 trường đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT. Trong đó, trường THCS Thanh Xuân Trung là “điểm sáng” trong thực hiện chính sách BHYT, khi nhiều năm liên tục giữ vững tỷ lệ 100% HS tham gia.

Để có được kết quả đó, những năm qua, BHXH quận Thanh Xuân đã triển khai toàn diện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV, nhất là phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT quận và các trường học tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh và HSSV về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT.

Người dân thực hiện giao dịch tại BHXH quận Thanh Xuân.
Người dân thực hiện giao dịch tại BHXH quận Thanh Xuân.

Trong năm học 2023-2024, BHXH quận đã tổ chức trình chiếu giới thiệu về các quy định, quyền lợi hưởng và ý nghĩa của chính sách BHYT HSSV trong các buổi họp phụ huynh đầu năm. Nhờ đó, khối tiểu học và THCS trên địa bàn quận đã đạt tỷ lệ 100%, khối THPT đạt 99,8%.

Có thể thấy, qua quá trình đẩy mạnh tuyên truyền, đến nay chính sách BHYT toàn dân đã được nhiều người dân hiểu và tích cực tham gia. Theo thống kê của BHXH Hà Nội, trong năm học 2022-2023, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đạt 98,8%, với hơn 2,23 triệu HSSV tham gia BHYT.

Trong đó có nhiều quận, huyện đạt tỷ lệ bao phủ cao như: Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm đạt 100%; Long Biên, Quốc Oai, Thạch Thất đạt 99,9%; Đông Anh, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Hà Đông đạt 99,8%.

Còn trên cả nước, BHYT HSSV năm học 2022 2023 đạt tỷ lệ hơn 97 % tổng số HSSV tham gia BHYT. Kết quả này đồng nghĩa với việc có trên 18,8 triệu HSSV được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định.

Có thể thấy, những năm qua, chính sách HSSV đã được triển khai hiệu quả, thể hiện không chỉ ở diện bao phủ tăng mà quyền lợi hưởng BHYT của các em cũng được đảm bảo.

Diện bao phủ BHYT HSSV liên tục tăng đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân; đồng thời thể hiện ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chính sách BHYT trong việc đem lại cho thế hệ trẻ cơ chế chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ trường học.

 

Hàng năm, trước mỗi kỳ họp phụ huynh, nhà trường và các thầy cô giáo luôn chú trọng chia sẻ, tuyên truyền về ý nghĩa của chính sách BHYT HSSV. Qua nhiều năm triển khai, nhận thức của các bậc phụ huynh và học sinh về chính sách này đã được nâng cao.

Giá trị tấm thẻ tuy không nhiều, nhưng mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. Không chỉ khi các học sinh ốm đau được BHYT chi trả chi phí điều trị, tấm thẻ còn có ý nghĩa đặc biệt với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là bài học để giáo dục các học sinh tinh thần sẻ chia cộng đồng.

Thầy giáo Nguyễn Tất Lượng - Phó Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội