Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội

Hồng Thái. Ảnh: Quang Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/6, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội”.

Tham dự buổi tọa đàm có: TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; TS Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam và TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 177-KH/TU, ngày 18/2/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị đã đăng tải toàn văn Dự thảo Văn kiện trên các ấn phẩm của báo. Đồng thời, để có thêm kênh thông tin lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người dân đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, báo đã mở chuyên mục "Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội", đón nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân.

Quang cảnh cuộc tọa đàm 

Với mong muốn đóng góp thêm các ý kiến cho Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cuộc tọa đàm với mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học thông qua báo Kinh tế & Đô thị có thêm những nhận định, đánh giá về các kết quả đã đạt được của Đảng bộ TP trong nhiệm kỳ qua, cũng như góp thêm các giải pháp cho nhiệm kỳ tới. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực: Xây dựng chính quyền và công tác cán bộ; Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Hà Nội; Phát triển kinh tế Thủ đô trong thời kỳ hội nhập.

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đánh giá, Dự thảo Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố được xây dựng công phu, nghiêm túc và khoa học, thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của những người trực tiếp và gián tiếp tham gia Tổ Văn kiện Đại hội. Dự thảo có nội dung bao quát toàn diện các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố. Số liệu và các chỉ tiêu phát triển được tập hợp và xây dựng có hệ thống, phản ánh khá đầy đủ các thành công, hạn chế và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, các khâu đột phá cần thiết cho phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ qua và thời gian tới…

 TS. Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

“Trong nhiệm kỳ tới, việc xây dựng một chính quyền mạnh cần được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Muốn vậy, Hà Nội phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức vừa chuyên nghiệp, vừa tinh thông, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô. Điều này cần được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố quan tâm đưa vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII”- TS Thang Văn Phúc nhấn mạnh.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

Trao đổi về các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, nhiệm kỳ qua, công tác quy hoạch có vai trò định hướng, luôn đổi mới. Hà Nội đã quyết tâm tạo được quy hoạch đồng bộ, có chất lượng; diện mạo đô thị trong nhiệm kỳ qua có nhiều khởi sắc, từng bước xác định bản sắc Thủ đô. Cùng đó, ông đề nghị phải nêu nổi bật hơn nữa về kết quả xây dựng nông thôn mới, vì đây là lĩnh vực Hà Nội có thành tích lớn, hiện đang dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng Thủ đô phát triển bền vững và là đô thị đặc biệt.

 TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội

Trong khi đó, đề cập đến những vấn đề nổi bật trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đánh giá, Hà Nội bây giờ đẹp hơn, thể hiện điểm nhấn của Thăng Long - Hà Nội và mọi người đều có ý thức để Thủ đô ngày càng đẹp hơn. Cùng đó, với việc xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh, cần phải hiểu rộng thêm, không chỉ biểu hiện ra bên ngoài như lời ăn, tiếng nói, cách ăn mặc mà con người phải có trí tuệ, có hiểu biết. Trong Dự thảo lần này, phải đưa ra tiêu chí cụ thể hơn, thế nào là con người Hà Nội? Cùng đó, nhấn mạnh đến văn hóa trong chính trị, người Hà Nội chuẩn bị tâm thế để hội nhập thế nào?

 TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế

Đưa ra những góp ý về vấn đề phát triển kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, một đột phá quan trọng cần được nhấn mạnh trong Dự thảo, đó là phải coi kinh tế tư nhân là động lực chủ đạo trong thời gian tới. Phát triển nhiều hơn các tập đoàn kinh tế tư nhân, tập đoàn đa sở hữu. Theo TS Nguyễn Minh Phong, nên đề cập đến các đột phá về cơ chế. Bao gồm các cơ chế tài chính ngân sách đặc thù (Luật Thủ đô); cơ chế đặc thù về chính quyền đô thị; cơ chế tài chính đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, đặc biệt là vấn đề thu phí - công cụ mạnh để điều chỉnh các hoạt động kinh tế, cũng như gia tăng năng lực quản lý đô thị. Đồng thời, chú trọng thu hút các doanh nghiệp FDI từ những nước EU trên cơ sở Hiệp định EVFTA và CPTPP. Qua đó đảm bảo các dự án có công nghệ nguồn sạch, có tài chính vững mạnh, đề cao yếu tố công cụ pháp luật và chống chuyển giá, đề cao vấn đề an ninh quốc phòng...