Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạo loạn đã bùng phát ở Libya

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đám đông đã tụ tập trước trụ sở chính quyền quận Sabri ở Benghazi đòi thả một thủ lĩnh của họ, sau đó kéo tới quảng trường Shajara và đụng độ với lực lượng an ninh.

KTĐT - Đám đông đã tụ tập trước trụ sở chính quyền quận Sabri ở Benghazi đòi thả một thủ lĩnh của họ, sau đó kéo tới quảng trường Shajara và đụng độ với lực lượng an ninh.

Bạo loạn đã bùng phát ở Libya sau khi một đám đông người biểu tình chống chính phủ đụng độ với lực lượng cảnh sát đêm 15/2 tại thành phố Benghazi ở phía Đông nước này, làm 14 người bị thương, trong đó có 10 cảnh sát.

Cuộc biểu tình do thân nhân của 14 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình năm 2006 ở thành phố Benghazi phát động. Đám đông đã tụ tập trước trụ sở chính quyền quận Sabri ở Benghazi đòi thả một thủ lĩnh của họ, sau đó kéo tới quảng trường Shajara và đụng độ với lực lượng an ninh.

Theo các nguồn tin, cảnh sát đã dùng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su để giải tán những người biểu tình.

Trong khi đó, đài truyền hình quốc gia đưa tin hàng trăm người đã đổ ra các đường phố ở Benghazi, thủ đô Tripoli, các thành phố Syrte và Sebha để thể hiện sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Libya Muamer Kadhafi.

Những người tuần hành cáo buộc kênh truyền hình Al-Jazeera, có trụ sở ở Qatar, đã phát những thông tin bịa đặt, góp phần thổi bùng làn sóng biểu tình ở
TunisiaAi Cập.

Hiện các hoạt động biểu tình đã chấm dứt và lực lượng an ninh đã kiểm soát được khu vực quảng trường.

Còn tại Iran, xung đột giữa những người ủng hộ chính phủ và những người ủng hộ phe đối lập lại bùng phát khi diễn ra đám tang Sane'e Zhale, một sinh viên bị thiệt mạng trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Tehran ngày 15/2.

Trước đó, chính phủ Iran đã lên án phương Tây kích động các cuộc biểu tình chống đối tại nước này.

Tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nhấn mạnh những diễn biến vừa qua là bằng chứng rõ ràng cho thấy "Iran có kẻ thù." Ông khẳng định "những kẻ đứng đằng sau các cuộc biểu tình sẽ thất bại."

Tổng thống Ahmadinejad cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này là "vô ích." Ông bác bỏ những tác động của các biện pháp trừng phạt trên đối với nền kinh tế Iran và cho biết nền kinh tế nước này vẫn phát triển tốt.

Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Iran vì cho rằng chương trình hạt nhân của nước này là nhằm mục đích phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ cáo buộc trên và nhiều lần khẳng định chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình./.