Cơ quan CSĐT Công an TP Việt Trì (Phú Thọ) vừa ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Minh Hải, 33 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Xây dựng Hải Lam, có trụ sở tại phường Bạch Hạc, TP Việt Trì về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Báo mất giả, làm lại đăng ký thật
"Nạn nhân" của Nguyễn Minh Hải trong vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản này là Quỹ tín dụng Trung ương, Chi nhánh Phú Thọ, có trụ sở tại TP Việt Trì. Sau hơn một năm cầm cố tài sản thế chấp của Giám đốc Hải gồm toàn bộ giấy đăng ký, đăng kiểm và bảo hiểm của hai chiếc xe ôtô Camry, BKS 19L-9099 và xe ôtô tải BKS 19N-2288, Quỹ tín dụng Trung ương, Chi nhánh Phú Thọ mới phát hiện bị lừa… đã làm đơn trình báo đến Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Việt Trì.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND sáng 18/1, Thượng tá Nguyễn Ngọc Vân, Phó trưởng Công an TP Việt Trì kể lại: Khi điều tra vụ án này, cái khó nhất của các điều tra viên là chứng minh hành vi gian dối của Giám đốc Minh Hải. Ở vụ án này, các điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Việt Trì phải tốn khá nhiều công sức để thu thập tài liệu, chứng minh. "Nút thắt" quan trọng giúp mở chuyên án, là một biên bản họp Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Vận tải và Xây dựng Hải Lam, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Việt Trì thu được trong quá trình khám xét trụ sở làm việc.
Tại biên bản này, vào ngày 14/4/2009, Hải đã đem nhập chiếc xe ôtô Camry vào công ty, khi đó chiếc đăng ký xe ôtô này vẫn được Hải sử dụng. Thế nhưng vào ngày 15/3/2009, Hải đã báo mất đăng ký xe ôtô trên tại Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ (PC 67). Với các chứng cứ này, Công an TP Việt Trì đã tập trung đấu tranh, buộc Hải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Nguyễn Minh Hải, là đối tượng từng có một tiền án về tội gá bạc. Sau khi được xóa án tích, Hải đứng ra thành lập Công ty cổ phần Vận tải và Xây dựng Hải Lam. Gọi là công ty nhưng thực chất công ty không có hoạt động sản xuất kinh doanh. Hải tình cờ phát hiện những "lỗ hổng" trong công tác quản lý đăng ký xe ôtô khi làm thủ tục đăng ký xe. Khi phát hiện được sự "thông thoáng" trên, Hải rắp tâm thực hiện hành vi phạm tội. Ngày 27/4/2009, Hải đã đến Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ làm thủ tục cấp lại đăng ký xe ôtô Camry, BKS 19L-9099. Và tội phạm bắt đầu từ đây…
Ngày 14/5/2009, Hải đã làm thủ tục thế chấp 2 chiếc xe ôtô (Camry BKS 19N -2288 và xe tải BKS 19N-2288) vay của Quỹ tín dụng Trung ương, chi nhánh Phú Thọ 900 triệu đồng. Theo quy định của ngành ngân hàng, thì Hải không phải để lại hai chiếc xe ôtô trên. Sau đó, Hải đã sử dụng chiếc đăng ký cũ của xe Camry đã khai báo mất, và mang chiếc xe ôtô trên cầm cố vay của ông Nguyễn Minh Hải, ở phường Gia Cẩm, TP Việt Trì 700 triệu đồng, trong thời hạn là một tháng. Hết thời hạn không thấy Hải đến trả nợ, ông Minh Hải đã bán chiếc xe ôtô trên cho anh Nguyễn Văn Thụ ở tỉnh Vĩnh Phúc với giá 880 triệu đồng.
Đến ngày 21/1/2010, chiếc xe trên được bán trao tay cho một người tiêu dùng khác ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Và chỉ đến lúc này, Quỹ tín dụng Trung ương Chi nhánh Việt Trì mới phát hiện ra hành vi lừa đảo của Hải. Bởi trước đó, họ vẫn chắc mẩm rằng đã có được trong tay toàn bộ giấy tờ của hai chiếc xe trên. Vì thế, Quỹ tín dụng Trung ương Chi nhánh Việt Trì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu Hải phải trả nợ trước thời hạn…
Những lỗ hổng trong công tác quản lý cấp lại đăng ký xe
Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 18/1, Thượng tá Lưu Đức Tỉnh, Trưởng phòng PC 67 Công an tỉnh Phú Thọ trăn trở: Khi thông tư 36 của Bộ Công an có hiệu lực, việc cải cách hành chính đã đem lại những thuận lợi cho người dân, song cũng tạo ra một số lỗ hổng dễ bị các đối tượng lợi dụng.
Thượng tá Tỉnh đưa ra một con số đáng giật mình. Đến thời điểm này, Phòng PC 67 Công an tỉnh Phú Thọ còn tồn lại khoảng hơn 3.000 đăng ký xe ôtô và môtô quá hạn, không có người đến lấy… ở đây gồm cả những chiếc xe đã bị xử phạt hành chính nhưng chủ xe không đến nhận. Trong khi đó, chỉ trong 20 ngày đầu năm 2011, đơn vị này đã tiếp nhận gần 60 trường hợp làm thủ tục cấp lại đăng ký xe ôtô và biển số.
Thượng tá Tỉnh nhấn mạnh: Theo quy định của Thông tư 36/2010/TT-BCA về đăng ký xe thì thủ tục cấp lại giấy đăng ký cực ký đơn giản. Người bị mất chỉ cần đến các Phòng PC 67 khai báo vào một tờ mẫu, trong thời gian không quá một ngày, Phòng PC 67 ở địa phương phải có trách nhiệm cấp lại. Mà theo yêu cầu của thông tư này thì ngoài việc rút ngắn về thời gian, cũng không cần phải thẩm tra, xác minh xem việc mất giấy tờ có thật hay không. Vì thế, vô hình trung đã tạo ra những sơ hở cho một số đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng vi phạm giao thông bị giữ lại giấy tờ xe đã bỏ lại giấy tờ, vì trên thực tế, thủ tục cấp lại đơn giản mà chi phí cũng chỉ mất tới vài chục nghìn đồng, "rẻ hơn" rất nhiều so với việc phải đi nộp phạt.
Nhất là trong giai đoạn hiện lại, Nghị định 34/2010/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, rất nhiều hành vi vi phạm bị áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, và việc áp dụng mức xử phạt cao thí điểm đối với vi phạm tại khu vực nội thành của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang được áp dụng, việc các đối tượng để lại giấy tờ ngày càng nhiều.
Trong khi đó, lực lượng CSGT để lập được một hồ sơ xử phạt hành chính mất không ít công sức, vất vả nhất là các trường hợp đối tượng không phải là người địa phương, rồi trường hợp đăng ký thường trú ở một nơi nhưng lại tạm trú ở một nơi, giấy tờ đăng ký xe ở địa phương này cấp nhưng giấy phép lái xe lại do Sở Giao thông vận tải của một tỉnh khác cấp phép. Nguyên nhân thì có nhiều song có một thực tế đó là giữa các ban, ngành chưa có một sự thống nhất về thông tin. Đơn cử như trường hợp của Minh Hải, việc Hải mất đăng ký xe ôtô chính quyền địa phương không biết, Phòng CSGT cũng chẳng hay… chính vì điều đó Minh Hải đã dễ dàng qua mặt được một hệ thống văn bản pháp lý rất cẩn thận của quỹ tín dụng để chiếm đoạt tài sản.