Hiện nay, bão số 12 (Damrey) đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam trên Biển Đông với tốc độ khoảng 20km/h và tiếp tục mạnh lên. Trong khoảng 24h tới bão đi vào vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/giờ). Dự kiến, sáng 4/11 bão sẽ vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ.
Theo ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 12 sẽ gây ra mưa rất lớn theo hai kịch bản. Một là sẽ xuất hiện mưa lũ lớn tập trung tại khu vực Nam Trung bộ. Hai là vùng mưa lớn sẽ trải dài trên diện rộng từ Nam Trung bộ tới tận Quảng Bình - Quảng Trị đến Hà Tĩnh. Tổng lượng mưa được nhận định có nơi lên tới 1.000mm, thấp nhất khoảng 500mm. Từ chiều và đêm nay (3/11), các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ.
Mưa lũ, sạt lở núi chia cắt nhiều địa phươngMấy ngày qua do ảnh hưởng của không khí lạnh và hoàn lưu bão, mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ nhiều khu vực tại tỉnh Quảng Nam. Ở một số huyện miền núi xuất hiện tình trạng sạt lở đất đá.
Theo đó, trong ngày 1/11 lượng nước từ thượng nguồn đổ về sông Thu Bồn. Tại khu phố cổ Hội An, nước lũ đang ở mức báo động I, gây ngập tuyến đường Bạch Đằng từ chợ Hội An kéo dài đến bùng binh đầu cầu An Hội.
Bạch Đằng là tuyến đường tập trung nhà hàng, quán bar nhiều nhất phố cổ; lũ lên khiến cả dãy nhà ở tuyến đường này đóng cửa. Các dịch vụ du lịch như đi thuyền tham quan hiện cũng bị ảnh hưởng vì lũ.Ngập lụt và sạt lở núi cũng khiến nhiều tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã tại huyện Nông Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam bị chia cắt. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng chốt chặn các tuyến đường bị ngập sâu, không cho người dân đi qua đồng thời thông báo nghỉ học tới học sinh các trường trong vùng bị ảnh hưởng.Trong khi đó tại Khánh Hòa, theo báo cáo sơ bộ mưa lớn trên diện rộng từ đêm 31/10 sang đã làm 110 nhà dân ngập cục bộ từ 20cm đến 70cm; 2 nhà dân bị sập vách, tụt vách; hơn 4.360 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 1.224ha hoa màu bị ngập úng. Thiệt hại nặng nhất là tại huyện Vạn Ninh với hơn 880ha lúa vụ mùa bị ngập sâu, 5ha tỏi bị cuốn trôi và ước có 70ha bị ngã đổ; kênh mương bê tông bị sập 553m, đất đá cuốn trôi khoảng 600m3, đường giao thông bị sạt lở khoảng 500m.Còn tại TX Ninh Hòa, có 150m bờ sông, bờ suối bị sạt lở; 100m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 15ha tôm bị thiệt hại 50 - 70%, 10ha diện tích nuôi ốc, cua bị thiệt hại 50 - 70%.Tại tỉnh Bình Định, tính đến 10h sáng 2/11, nước từ thượng nguồn đổ về đã gây lũ lưu vực hạ lưu sông Côn và sông Hà Thanh của huyện Tuy Phước và Phù Cát. Các tuyến tỉnh lộ 640, 636B qua địa bàn xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang (huyện Tuy Phước) và xã Cát Chánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát), nước qua tràn từ 0,4 - 0,6m; các tuyến giao thông liên xã Phước Hòa - Phước Thắng đi Cát Chánh bị ngập sâu. Nhiều khu dân cư các địa phương trên bị lũ cô lập.
Tỉnh lộ 640 qua địa bàn huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngập từ 0,4 - 0,6m. Ảnh: Báo Bình Định. |
3 người chết, 1 người mất tích do mưa lũThông tin từ UBND huyện Đồng Xuân (Phú Yên), một người đàn ông trú thôn Tân Thọ, xã Xuân Sơn Bắc trong khi bơi đến nhà người thân giúp chuyển đồ đạc đã bị lũ cuốn trôi. Đến 2h sáng 2/11 lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể người xấu số.Tại Quảng Nam, một nạn nhân bị lũ cuốn là ông Nguyễn Văn T (73 tuổi, thôn Khánh Bình, xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn), một học sinh trượt chân bị đuối nước là em Q (học sinh lớp 4, trường Tiểu học Trương Hoành, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc).Trong khi đó tại đập Thạnh Hòa (TX An Nhơn, Bình Định), chị Nguyễn Thị Thu T là nhân viên Xí nghiệp thủy lợi 4 trong khi đang thực hiện nhiệm vụ đã bị nước cuốn trôi. Hiện cơ quan chức năng địa phương vẫn tích cực tìm kiếm nạn nhân xấu số.